Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác
Dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác (3R) tại thành phố Đà Nẵng do JICA tài trợ (giai đoạn 2) thực hiện trong 3 năm (từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2025), tập trung trên địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê, với tổng kinh phí hơn 15,6 tỷ đồng.
Ngày 23/12, Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với đoàn công tác của thành phố Yokohama (Nhật Bản), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả triển khai dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác (3R) tại thành phố Đà Nẵng do JICA tài trợ (giai đoạn 2).
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho rằng, trong 3 năm (2021- 2024), dự án đã được thực hiện và đạt nhiều kết quả với sự hợp tác hiệu quả của thành phố Yokohama, sự hỗ trợ kỹ thuật của IGES. Nhiều lượt cán bộ của thành phố đã được đào tạo, tập huấn trực tiếp tại Nhật Bản; các mô hình phân loại rác được triển khai hiệu quả và lan tỏa trong cộng đồng dân cư tại 2 quận Hải Châu, Thanh Khê.
Hiện nay, bên cạnh việc phân loại rác có khả năng tái chế và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành các hành vi tái sử dụng để tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu hoặc từ chối sử dụng các sản phẩm để hạn chế phát thải ra môi trường, nhất là các loại rác thải nhựa, sản phẩm sử dụng một lần..., thành phố đang triển khai thí điểm phân loại chất thải thực phẩm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đại diện Chi cục Biển đảo và môi trường (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng) đề xuất JICA và IGES tiếp tục hỗ trợ thành phố nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của các mô hình thu phí rác dựa trên thể tích hoặc khối lượng phát sinh, phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; triển khai thí điểm các mô hình thu phí này ở một số khu vực nhất định, thu thập dữ liệu và kinh nghiệm thực tế nhằm hoàn thiện mô hình, trước khi nhân rộng ra toàn thành phố. Cùng với đó, hỗ trợ kỹ thuật về nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ xử lý và tái chế rác thải; giáo dục môi trường trong trường học và cộng đồng; quản lý môi trường đô thị và nông thôn; quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường...
Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện dự án, TS Yasuhiko Hotta, Giám đốc Ban sản xuất và tiêu dùng bền vững thuộc IGES, đề nghị thành phố cập nhật kế hoạch tổng thể quản lý rác của Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các mục tiêu như: tăng phạm vi thu gom chất thải, giảm tỷ lệ chôn lấp rác trực tiếp và khuyến khích đầu tư vào các cơ sở chuyển hóa chất thải thành năng lượng...; quản lý rác thực phẩm và áp dụng hệ thống tính phí rác thải theo thể tích.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về thu gom rác tái chế sau phân loại rác tại nguồn theo hướng tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau.
Thành phố cũng cần có giải pháp quản lý rác thực phẩm bao gồm các chương trình thí điểm ủ làm chất tẩy rửa sinh học, phân compost tại hộ gia đình và các cơ sở tập trung quy mô vừa; có kế hoạch mở rộng hoạt động xử lý rác thực phẩm với sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các chi hội phụ nữ và đưa vào áp dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, thành phố cần có chính sách về tái chế, tăng cường các sáng kiến phân loại rác hiện có, giải quyết các vấn đề về rác tái chế có giá trị thấp; thiết lập các quy trình tái chế bền vững và hiệu quả về chi phí, phù hợp với sự hợp tác của người dân và công tác quản lý ngân sách.