Trước khi một giọt nước đến tay người dân Nhật, nó phải vượt qua 51 tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đặt ra, bao gồm kiểm tra độc tính, các chất gây ô nhiễm, cùng với các xét nghiệm để đảm bảo màu sắc, độ trong và mùi. Thực tế, các quy định của Nhật Bản đối với nguồn nước sinh hoạt còn nghiêm ngặt hơn so với các quy định về nước suối đóng chai.
Điều làm cho chất lượng nước của Tokyo còn ở một tầm cao hơn là chế độ xử lý nước nghiêm ngặt bao gồm khoảng 200 thông số về an toàn và chất lượng.
Hashimoto Takashi, người đứng đầu nhà máy xử lý Misono ở Itabashi, tự tin nói rằng ông không còn cần nước uống đóng chai. “Sao tôi phải làm thế khi có nước sạch, an toàn chảy ngay từ vòi”, ông nói.
Misono là một trong 5 nhà máy xử lý nước được điều hành bởi Cục cung cấp nước Chính quyền Thủ đô Tokyo, có công suất xử lý hàng ngày 300.000 m3, sử dụng các quy trình tiêu chuẩn cùng với xử lý tiên tiến bằng ozone và than hoạt tính sinh học. Theo Hashimoto, hệ thống tiên tiến loại bỏ gần như tất cả chất hữu cơ hòa tan mà các hệ thống xử lý tiêu chuẩn không thể làm được.
Quá trình sục ozone kéo dài khoảng 20 phút nhằm loại bỏ các chất vô cơ, bao gồm trihalomethane và các chất gây ung thư khác, cùng các vi sinh vật như vi khuẩn và động vật nguyên sinh, loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe và đảm bảo mùi vị của nước.
Nước sau đó chảy từ khoang sục ozone đến bể lọc chứa các loại than hoạt tính sinh học. Ngoài việc lọc các chất ô nhiễm hữu cơ giống như máy lọc nước gia đình, carbon siêu nhỏ còn loại bỏ sản phẩm phụ từ việc xử lý ozone. Nếu không làm vậy, những chất đó có thể làm giảm mùi vị nước.
Một phụ nữ uống nước từ vòi tại Nhật. Ảnh: AFP.
Chất lượng nguồn nước quyết định mức độ xử lý. Tokyo lấy 80% lượng nước từ sông Tonegawa và Arakawa, 20% từ sông Tamagawa. Hashimoto giải thích rằng nước từ Tamagawa tinh khiết đến nỗi nó chỉ cần qua bước xử lý tiêu chuẩn để có thể uống được. Trong khi đó, chất lượng nước từ hai con sông còn lại thấp hơn. Nhưng bằng biện pháp xử lý nước tiên tiến, hệ thống có thể mang lại chất lượng nước ở mức đặc biệt cao.
Cục cung cấp nước Chính quyền Thủ đô Tokyo còn liên tục tìm cách cải thiện hoạt động. Ngoài các tiêu chuẩn của chính phủ, họ đặt ra thêm 8 tiêu chuẩn chất lượng nhằm loại bỏ các chất có thể gây ra mùi hoặc vị khó chịu. Hai “thủ phạm” chính là vi khuẩn và clo hóa.
Luật Nhật Bản yêu cầu clo hóa nước uống để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và vi sinh vật. Họ quy định mức clo dư thừa nằm trong khoảng 0,1 – 1 miligam/lít vào thời điểm nước đến vòi của nhà dân. Tokyo có tiêu chuẩn khắt khe hơn bằng cách đặt giới hạn mức clo dư thừa là 0,1 – 0,4 miligam/lít, nhằm khiến người dân không cảm nhận được mùi vị của clo.
Hashimoto mô tả thách thức trong việc đạt được mục tiêu này: Sau khi nước rời nhà máy xử lý, nồng độ clo dư giảm dần. Tuy nhiên, nhiệt độ và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tốc độ này và phải mất nhiều nỗ lực để có thể đảm bảo được đúng giới hạn đã đặt ra.
Tại một số địa điểm công cộng ở Tokyo như nhà ga hay công viên, nước máy đóng chai được bày bán với giá khoảng 100 yen với mục đích quảng bá thành phố hay được dùng như một món quà lưu niệm từ Tokyo.
Ngọc Trâm (T/h)