Ngày 29/6, nhóm nghiên cứu của Đại học Chiba và Viện nghiên cứu lý hóa Nhật Bản Riken đã công bố phương pháp điều trị ung thư đầu tiên trên thế giới bằng cách cấy ghép các tế bào miễn dịch NKT (Natural killer T cells) được tạo ra từ các tế bào gốc đa năng (iPS) cho các bệnh nhân ung thư.
Kế hoạch thử nghiệm lâm sàng nói trên đã được Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế (PMDA) Nhật Bản phê duyệt ngày 27/5 vừa qua.
Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thử nghiệm bước đầu đối với 4 đến 18 bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ trong độ tuổi từ 20 đến 80 và hiện không đáp ứng với các phác đồ điều trị thông thường.
Tế bào gốc là tế bào có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau trên cơ thể. Ở các cơ quan, tế bào gốc đóng vai trò như một hệ thống sửa chữa nội bộ, có thể bù đắp lại sự hao hụt của các tế bào khác mà thay thế, phát triển.
Để tiêu diệt các tế bào ung thư, bệnh nhân tùy theo thể trạng mà được các bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị sử dụng những phương pháp khác nhau sao cho có kết quả tốt nhất. Quá trình hóa trị hoặc xạ trị thường giết chết các tế bào gốc trong tủy xương giúp sản sinh ra máu. Chính vì thế, việc cấy ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư giúp cơ thể của bệnh nhân có thể tái tạo lại các tế bào máu.
Tế bào gốc được truyền vào bằng đường tĩnh mạch, sau đó di chuyển trong mạch máu và tìm đến với tủy xương, phát triển và tạo các tế bào máu cần thiết cho cơ thể.
Ảnh minh họa
Các tế bào NKT – một loại tế bào miễn dịch có chức năng tấn công các tế bào ung thư, sẽ được lấy từ những người khỏe mạnh, sau đó sẽ tạo ra các tế bào iPS và nhân lên với số lượng lớn. Trong giai đoạn đầu, khoảng 150 triệu tế bào iPS sẽ được cấy ghép cho mỗi bệnh nhân trong ba chu kỳ.
Ca cấy ghép đầu tiên dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng Tám tới.
Nhóm nghiên cứu cho biết cần hai năm để đánh giá hiệu quả, mức độ an toàn và xác định phương pháp này có được đưa vào danh mục hưởng chế độ bảo hiểm y tế hay không.
Hiện nay, biện pháp điều trị ung thư được thực hiện bằng cách lấy các tế bào NKT từ cơ thể người bệnh, sau đó nhân lên với số lượng lớn và truyền lại cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng được đối với 30% bệnh nhân ung thư do số lượng tế bào NKT trong cơ thể bệnh nhân có hạn và cần thời gian để tạo ra số lượng tế bào cần thiết.
Biện pháp sử dụng tế bào iPS được kỳ vọng có thể tạo ra số lượng lớn tế bào NKT trong khoảng thời gian ngắn hơn.
Ngọc Linh (t/h)