Nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của ACV liên quan đến loạt bê bối sân bay

Minh Tuấn|04/03/2022 09:46
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời gian qua, dư luận không khỏi xôn xao khi tình trạng nạn xe dù, cò mồi tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều cán bộ sân bay Phú Bài bị bắt, tiến độ triển khai sân bay Long Thành chậm… Vậy trách nhiệm của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV đến đâu trong vấn đề này?.

Theo giới thiệu trên website vietnamairport.vn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 06/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Giới thiệu về ACV trên trang Website 

ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 09 Cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 Cảng hàng không nội địa: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân; góp vốn vào các công ty con và công ty liên doanh, liên kết.

ACV có vốn điều lệ 21.771.732.360.000 đồng (Hai mươi mốt nghìn bảy trăm bảy mươi mốt tỷ, bảy trăm ba mươi hai triệu, ba trăm sáu mươi nghìn đồng), tương ứng 2.177.173.236 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó: Cổ phần Nhà nước nắm giữ 95,4%; các cổ đông khác nắm giữ 4,6%.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV có trách nhiệm gì với những lùm xùm ngành hàng không thời gian qua?

Tuy vậy, thời gian qua, ngành hàng không đã xảy ra không ít vụ việc lùm xùm khiến dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm và vai trò quản lý của ACV.

Xe dù, cò mồi tại sân bay Tân Sơn Nhất

Nạn xe dù, còi mồi ở sân bay Tân Sơn Nhất đã được báo chí phản ánh liên tục thời gian qua. Theo nhiều phản ánh, việc khó đặt taxi, xe công nghệ, đón khách ở khu vực nhà ga quốc nội cùng tình trạng chặt chém, chèo kéo của giới tài xế, “cò mồi” xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất những ngày sau Tết.

Báo Người Lao Động trong bài viết “Thế giới taxi riêng’ ở sân bay Tân Sơn Nhất : Lãnh đạo sân bay thừa nhận có ‘taxi dù’!” dẫn lời ông Đặng Ngọc Cương – Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thừa nhận có “taxi dù” ở sân bay.

Ông Cương nói: “Chúng tôi có biết và xin nhấn mạnh tình trạng chèo kéo, “chặt chém” khách chủ yếu xảy ra đối với loại hình dịch vụ vận tải hành khách. Các đối tượng trên gửi xe tại bãi xe và đi vào sảnh công cộng của ga đến, giả danh người nhà hành khách để mời chào, chèo kéo hành khách. Hành vi lấy quá giá cước, lừa đảo đối với hành khách đều được thực hiện sau khi ra khỏi khu vực sân bay”.

Theo vị Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: Hoạt động của loại hình xe “công nghệ”, xe “dù” ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng tới công tác quản lý kiểm soát tại địa bàn Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Một số lái xe dừng, đỗ, đón khách sai quy định hoặc cho người lên sảnh nhà ga “chèo kéo” bắt khách gây mất an ninh trật tự, gây khó khăn cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không trong công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự và phục vụ hành khách.

Tình trạng chặt chém, chèo kéo của giới tài xế, “cò mồi” xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất những ngày sau Tết. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cũng vừa yêu cầu tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm an ninh hàng không, phòng chống khủng bố, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng đối với các địa phương có cảng hàng không, sân bay.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an ninh hàng không; khắc phục tình trạng “cò mồi”, “taxi dù” hoạt động ngang nhiên, trái phép tại các cảng hàng không, sân bay; triển khai các phương án ngăn chặn, ứng phó việc sử dụng nguồn sáng công suất lớn, đèn chiếu laser, thả diều, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, các hoạt động uy hiếp đến an toàn hàng không…

Hàng loạt cán bộ sân bay Phú Bài –  Thừa Thiên Huế “xộ khám” vì tham ô

Một trong những lùm xùm lớn nhất ngành hàng không thời gian qua là việc hàng loạt cán bộ sân bay Phú Bài –  Thừa Thiên Huế bị khởi tố bắt giam vì tham ô tài sản.

Tính đến cuối năm 2021, Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam 3 cán bộ lãnh đạo gồm: Ông Đỗ Chí Thành – Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; ông Lê Văn Lộc – Phó Giám đốc; ông Trần Xuân Long – Chánh Văn phòng.

Ngoài ra, ngày 20/11/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phùng Tuấn Dương – Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Ông Đỗ Chí Thành cùng loạt cán bộ cảng hàng không quốc tế Phú Bài bị khởi tố. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 10/2017 đến ngày 8/1/2021, trong quá trình quản lý, điều hành khai thác Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, các ông Đỗ Chí Thành, Lê Văn Lộc và Chánh Văn phòng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài Trần Xuân Long cùng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhiều lần chiếm đoạt tài sản của Cảng Hàng không Phú Bài. Những người này thông qua việc nhượng quyền khai thác dịch vụ taxi tại cảng cho Công ty cổ phần Phú Hoàng Thịnh (taxi Vàng) và Công ty Taxi Thành Công, để chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng.

Hàng loạt cán bộ sân bay Phú Bài –  Thừa Thiên Huế bị khởi tố bắt giam vì tham ô tài sản

Nỗi lo sân bay Long Thành chậm tiến độ

Ngày 5/1/2021, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được khởi công sau nhiều năm chuẩn bị, giải phóng mặt bằng. Đây là thời gian đánh dấu khởi động các dự án thành phần trong giai đoạn 1 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư gồm: rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, đường giao thông kết nối, đường băng, nhà ga hành khách và hạ tầng hàng không phụ trợ…

Tuy nhiên sau một năm, khi hạng mục hàng rào và rà phá bom mìn cơ bản hoàn thành, việc san lấp nền vẫn chưa thực hiện khiến khiến tiến độ dự án nguy cơ chậm so với kế hoạch. Lãnh đạo Chính phủ liên tiếp có các chuyến kiểm tra trong hai tháng qua để đôn đốc, chỉ đạo.

Giai đoạn 1 sân bay Long Thành phần lớn được giải phóng mặt bằng song công trường vẫn còn ít hoạt động so với kế hoạch đề ra. (Ảnh: Phước Tuấn/VNE).

Hôm 6/2 (mùng 6 Tết), Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thị sát và nghe báo cáo tiến độ công trình, đã chỉ ra cách tổ chức, làm việc của dự án hiện chưa ổn. Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án lớn, trọng điểm quốc gia, song đến nay nhiều việc vẫn chưa đi vào vận hành trơn tru. “Đến nơi làm việc của ban quản lý dự án còn chưa có, liệu 4 năm nữa dự án có hoàn thành được không?”, Thủ tướng nói.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng vốn khoảng 110.000 tỉ đồng, gồm bốn dự án thành phần, trong đó Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng) với tổng mức đầu tư hơn 99.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý, theo quyết định của Thủ tướng, các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

Dự án thành phần 3 gồm các hạng mục: Nhà ga khách quốc tế công suất 25 triệu hành khách; công trình khu bay; nhà ga hàng hóa và hạ tầng chung.

Tiến độ sửa chữa đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất thế nào?

Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài bao gồm cải tạo, nâng cấp đường băng 11L/29R (1A) và đường băng 11R/29L (1B); xây mới 3 đường lăn thoát nhanh và nâng cấp các đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước…

Dự án này có tổng mức đầu tư là 2.031 tỉ đồng, được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong 6 tháng để khai thác đường băng 1B vào dịp Tết Nguyên đán 2021. Sau đó, sẽ tiếp tục triển khai để hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.

Dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất gồm cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song và nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu… Dự án có tổng mức đầu tư 2.015 tỉ đồng, được thi công theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong 6 tháng và giai đoạn sau hoàn thành cuối năm 2021.

Đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được triển khai sửa chữa

Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu khẩn trương hoàn thiện đưa dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất vào khai thác.

Văn bản của Bộ GTVT nêu, để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, nâng cao năng lực khai thác cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận khẩn trương rà soát, cập nhật lại tiến độ thi công chi tiết các hạng mục, đảm bảo hoàn thành đưa dự án vào khai thác trước 30/4/2022.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Ban QLDA cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đẩy nhanh tiến độ dự án và xác nhận cụ thể thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác trước thời điểm cao điểm giai đoạn 30/4 và 01/5/2022.

Minh Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của ACV liên quan đến loạt bê bối sân bay
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.