Mục tiêu chung là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP ít nhất 15% so với năm 2014. Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014...
Nhờ triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, bước đầu tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; phát triển mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”, sử dụng các thiết bị cảm biến tự động trong giám sát sâu rầy, tưới nước tiết kiệm; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái; chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc.
Trong lĩnh vực công nghiệp, địa phương đã hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (điện mặt trời áp mái, trạm bơm điện an toàn và hiệu quả) và hỗ trợ 11 cơ sở áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn. Kết quả, cơ bản đã giảm khoảng 5,2% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng của tỉnh.
Thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đồng Tháp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp) tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề nhằm phổ biến kiến thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như: “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững”; “Lợi ích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp”; “Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán và người nông dân trên địa tỉnh về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh theo hướng bền vững, tỉnh này cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xã hội về phát triển kinh tế xanh; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, giảm phát thải. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép, gắn kết các mục tiêu phát triển kinh tế xanh vào công tác xây dựng các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch đảm bảo thực hiện tăng trưởng xanh chung của tỉnh. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác liên quan đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; thu hút và tận dụng dòng vốn “xanh” từ đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy đầu tư cho phát triển kinh tế xanh, nhất là trong công việc thúc đẩy doanh nghiệp, người dân sản xuất, tiêu dùng xanh và bền vững...