Tín chỉ carbon: Chìa khóa vàng phát triển nền kinh tế xanh và bền vững

Hoàng Thơ|10/07/2024 15:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thị trường mua bán tín chỉ carbon được các chuyên gia nhận định sẽ ngày càng sôi động. Việc bán tín chỉ carbon sẽ giúp các chủ rừng và nông dân cải thiện sinh kế bền vững, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 9/7, Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (thành viên Tập đoàn CT Group) phối hợp với VERRA - Tổ chức chứng nhận uy tín hàng đầu thế giới về bù đắp lượng carbon tự nguyện đã tổ chức Tọa đàm chuyên đề "Tín chỉ Carbon: Chương trình Nhựa - Nông nghiệp và Lâm nghiệp - Bền vững Nguồn nước".

image123650291-17205240012571897198097.jpg
Các chuyên gia, doanh nghiệp, diễn giả thảo luận tại tọa đàm - Ảnh: VGP/Hồng Đức

Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác nhựa nhưng chỉ 27% được tái chế

Ô nhiễm nhựa đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế. Tuy nhiên, nhựa cũng là một ngành công nghiệp sản xuất và phụ trợ quan trọng, có tiềm năng to lớn bởi sản phẩm nhựa được ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành nhựa Việt Nam cần kích hoạt và khai thác tiềm năng của tín chỉ carbon. Tham gia thị trường tín chỉ carbon, ngành nhựa Việt Nam có thể vừa giảm thiểu tác động đến môi trường, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

image123650291-1-1720524001167570112474.jpg
Ông Win Sim Tan chia sẻ về Chương trình giảm ô nhiễm rác nhựa và tín chỉ carbon - Ảnh: VGP/Hồng Đức

Ông Win Sim Tan - Trưởng đại diện VERRA khu vực Đông và Đông Nam Á chia sẻ: "Chất thải nhựa đã trở thành mối quan tâm quan trọng đối với các công ty, chính phủ và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chương trình giảm ô nhiễm rác nhựa của VERRA có thể đánh giá tác động của các dự án thu gom và tái chế chất thải; các dự án đủ điều kiện được cấp tín chỉ nhựa. Đây cũng là một phương tiện hiệu quả và mạnh mẽ nhằm giảm rác thải nhựa trong môi trường".

Tại Việt Nam, Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) đang là đối tác đầu tiên và chính thức của VERRA trong các dự án tín chỉ carbon và các chương trình chống biến đổi khí hậu.

Không chỉ nói về tín chỉ carbon, trong ngành nhựa việc phân loại và thu thu gom rác thải nhựa đưa vào tái chế cũng rất cần triển khai ngay và được sự đồng thuận của xã hội.

Theo bà Văn Thị Minh Hoa – Chủ tịch CLB Báo chí và Truyền thông Xanh, hiện nay việc thực hiện phân loại rác tại nguồn đang có bước lùi sau khi TP.HCM quyết định cho một số dự án xử lý rác được đầu tư theo công nghệ đốt. Trong khi, phân loại rác tại nguồn chính là bước đầu tiên để triển khai kinh tế tuần hoàn, ứng xử để rác là chất thải của ngành này nhưng là là tài nguyên nguyên liệu đầu vào của một chuỗi sản xuất mới khác.

Theo bà Văn Thị Minh Hoa, cùng với các hoạt động đầu tư các nhà máy tái chế thì công tác tuyên truyền về phân loại rác phải được triển khai ngay từ cấp lớp học sinh nhỏ, từ đó xây dựng thái độ và hành động ứng xử với rác, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm tái chế, nền kinh tế tuần hoàn mới vận hành trơn chu.

Ngành nông, lâm nghiệp cần đón đầu xu hướng để tăng lợi nhuận

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon cũng vô cùng rộng mở.

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, trong khi ngành lâm nghiệp có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. 

Việc này sẽ giúp các chủ rừng và nông dân cải thiện sinh kế bền vững, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

thi-diem-ban-tin-chi-carbon.jpg
Việt Nam là quốc gia tiên phong cam kết giảm phát thải ròng carbon về bằng 0 (Net Zero) vào 2050

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày càng sôi động. Do đó, ngành nông nghiệp và lâm nghiệp Việt Nam cần đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá có tiềm năng to lớn trên thị trường này.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khi hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD. Tín chỉ carbon có thể được tạo ra từ các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tái tạo thảm thực vật; hay ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí methane trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi...

Việt Nam là quốc gia tiên phong cam kết giảm phát thải ròng carbon về bằng 0 (Net Zero) vào 2050. Cam kết thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Theo lộ trình, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon. Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng trước xu hướng mới và nên có sự chuẩn bị trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược giảm lượng khí thải trong từng công đoạn sản xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tín chỉ carbon: Chìa khóa vàng phát triển nền kinh tế xanh và bền vững