Yêu cầu về phát triển kinh tế xanh, bền vững ngày càng đậm nét, đòi hỏi thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu các sản phẩm, các công ty, các nền kinh tế trên cơ sở những công nghệ mới về chất theo hướng tự động hóa, tin học hóa, sản xuất sạch hơn, tiêu thụ ít nguyên liệu, tạo ra ít phế thải và ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Trong quá trình này, vai trò của báo chí cũng ngày càng gia tăng cả trên quy mô thế giới, cũng như ở mỗi quốc gia…
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Vụ trưởng - Phó Ban tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân, báo chí là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù, có tính cộng đồng và tác động xã hội mạnh mẽ. Báo chí không chỉ đơn thuần truyền tải các nội dung chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xanh, bền vững, mà còn là cầu nối tập hợp, thu hút, truyền tải và có ảnh hưởng lan toả cao trong xã hội về những sự kiện, vấn đề, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, ý kiến đa chiều của các tầng lớp đông đảo nhân dân, các nhà khoa học và doanh nghiệp, hiệp hội với chính phủ, cơ quan hữu quan và giúp định hướng, điều chỉnh nhận thức và hành vi các đối tượng có liên quan.
Tính đến hết tháng 5/2022, cả nước có 815 cơ quan báo chí, gồm 138 báo và 677 tạp chí, trong đó có 29 cơ quan báo chí chỉ thực hiện loại hình điện tử. Cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình), bao gồm 2 Đài quốc gia: Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); 64 Đài PTTH địa phương; 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Cả nước hiện có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ.
TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho biết, với lực lượng hùng hậu như vậy, báo chí đóng vai trò quyết định trong việc tuyên truyền phát triển nền kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam. Các bài viết “thuận chiều” và kịp thời của báo chí giúp doanh nghiệp được các khách hàng và đối tác biết đến, tin cậy và gắn bó, từ đó góp phần phát triển công cuộc kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, các thông tin và phản ánh “trái chiều” của báo chí, nhất là về trách nhiệm xã hội liên quan đến phát triển kinh tế xanh, bền vững về doanh nghiệp, cũng có ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Sự cộng sinh của các doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững…
Tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Đảng ta đã sớm xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, hơn một thập kỷ trước, nhiều người vẫn coi tăng trưởng xanh là một điều gì đó xa vời, không của riêng ai. Vì vậy, hiện tượng xả thải, gây ô nhiễm môi trường xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế của đất nước.
Đến năm 2013, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thì xã hội, doanh nghiệp, mỗi người dân mới giật mình nhìn lại, đồng thời có những hành động tích cực để bảo vệ môi trường.
Cũng trong giai đoạn này được coi là “kỷ nguyên của thông tin, truyền thông” đã tham gia trực tiếp vào lực lượng sản xuất xã hội, góp phần thay đổi nhận thức cho mỗi người rằng chính con người sẽ quyết định sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.
Theo đó, những thông tin phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã tạo sức ép dư luận với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Vai trò của báo chí được thể hiện rõ qua vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như của Công ty Miwon Phú Thọ xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường sông, vụ xả thải ở Fomosa, vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò...
Thể hiện vai trò của mình, báo chí còn nỗ lực truyền tải những chính sách, thông điệp tốt đẹp để đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường, sự phát triển bền vững của đất nước.
Thời gian qua, hàng trăm sự kiện với hàng nghìn tin, bài về sự kiện môi trường được cơ quan thông tấn đăng tải như: Chiến dịch Giờ Trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn… đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường.
Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và dấu ấn truyền thông Vì một Việt Nam xanh
Lĩnh vực môi trường, nước sạch, biến đổi khí hậu, tài nguyên khoáng sản có tác động và ảnh hưởng lớn đến sản xuất và nền kinh tế. Là cơ quan ngôn luận của TW Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã chủ động, tích cực phối hợp với nhiều đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững, đổi mới công nghệ hướng tới mục tiêu Net Zero…
Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua các chuyên mục trên các ấn phẩm của Tạp chí đa dạng về nội dung: Nước và Cuộc sống, Môi trường, Tài nguyên – Khoáng sản, Kinh tế môi trường…
Không chỉ có vậy, các chương trình tọa đàm, diễn đàn và các sự kiện của Tạp chí cũng đều theo sát tôn chỉ mục đích. Trong đó đáng chú ý là chương trình cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2017-2018. Chương trình thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên của nhiều trường đại học trong cả nước. Chương trình đã nhận được hàng nghìn tác phẩm dự thi là các bài viết, video clip, ảnh… về biến đổi khí hậu. Chương trình cũng đã gây quỹ từ thiện “Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm chia sẻ khó khăn đối với những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi những tác động của biến đổi khí hậu. Tất cả nhằm lan tỏa thông điệp cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng.
Tiếp nối những thành công đó là rất nhiều chương trình tọa đàm với những vấn đề nóng như: Tọa đàm “Giải pháp nào cho nước sạch nông thôn”; “Giải pháp khắc phục thiếu nước sinh hoạt tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam”; “Bảo vệ không gian xanh đô thị”; “Ngày nước Thế giới năm 2023 - Thúc đẩy sự thay đổi”. Tiếp nối những thành công của các chương trình tọa đàm trực tuyến, tháng 12/2022, Tạp chí đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (DCC), Liên Hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA), Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (AWATEN) tổ chức thành công Diễn đàn “Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Mới đây nhất, tháng 5/2023, Tạp chí tiếp tục ghi dấu ấn trong công tác truyền thông hướng tới mục tiêu Net Zero thông qua việc tổ chức thành công Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.
Các chương trình, bài viết mà Tạp chí triển khai đều chứa hàm lượng khoa học cao, nhận được sự đánh giá và tin tưởng cao từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và độc giả cả nước. GS.TS. Mai Trọng Nhuận – Nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội, chuyên gia cao cấp, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và là thành viên ban giám khảo cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” nhận xét: Với nội dung đa dạng, các bài viết chuyên sâu có tính nghiên cứu, phản biện, phân tích, bình luận, đánh giá về các lĩnh vực môi trường, tài nguyên, biến đổi khí hậu và nước sạch, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống là một trong những tờ tạp chí về môi trường có chất lượng tại Việt Nam hiện nay. Với tôi, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống là kênh thông tin giá trị và vô cùng hữu ích cho độc giả, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường.