Bão số 3 (bão Yagi) đang tiến sát vào vịnh Bắc Bộ. Dự báo đến 4h sáng mai (7/9), tâm bão số 3 sẽ trên vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh 160km về phía Đông Đông Nam với sức gió cấp 13-14, giật cấp 17. Dự kiến thời gian đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng trưa ngày 7/9 với cường độ cấp 10-12.
Đến 16h ngày mai (7/9), tâm bão trên đất liền Đông Bắc Bộ, sức gió cấp 8, giật cấp 11 và suy yếu thành một vùng áp thấp vào rạng sáng ngày 8/9 trên khi vực Tây Bắc.
Ứng phó với bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương dừng hoạt động hội họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão.
Từ 5h sáng ngày 6/9, các đơn vị thực hiện nghiêm việc cấm tàu, thuyền ra khơi. Tàu thuyền phải neo đậu theo hướng dẫn, không để va chạm, vỡ, chìm tàu khi bão đổ bộ.
"Tuyệt đối không cho người dân canh coi tại các chòi ngao, đầm quay trở lại chòi, đầm trong thời điểm này", lãnh đạo địa phương yêu cầu nếu phát hiện phải khẩn trương di dời và có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định có Công điện số 24 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3.
Địa phương này cũng chỉ đạo đình hoãn các cuộc họp không cấp bách; rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú.
Bắt đầu từ 6h ngày 6/9, tỉnh Nam Định cấm các phương tiện ra khơi, cấm hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển.
Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
Từ 11 giờ ngày 6/9, tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện lệnh cấm biển. Theo đó, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi.
Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân và du khách trên các đảo, khu vực ven biển, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, khu neo đậu tránh trú.
Di dời người dân (ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ) ở các khu nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn trước 16 giờ ngày 6/9/2024; tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ.
Rà soát phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, các vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, các công trình đang thi công, các bãi thải mỏ; kiên quyết di dời dân ra khỏi các vị trí mất an toàn, trên các khu nuôi trồng thủy sản.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tổ chức canh gác tại các điểm xung yếu, ngập lụt và tại các vị trí ngầm tràn khi có lũ, không cho người và phương tiện qua lại và xử lý sự cố, di dời dân cư khi có yêu cầu.
Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển và các đơn vị có liên quan khẩn trương cấm tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5h ngày 6/9.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đối với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16h ngày 6/9.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão; hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 6h sáng nay, lực lượng bộ đội biên phòng cùng các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn vào nơi tránh trú cho 51.319 tàu/219.913 người.
Trong đó, vẫn còn 458 tàu/2.341 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ (giảm 826 tàu/5.273 người so với hôm qua). Cụ thể: Thái Bình 2 tàu/19 người; Nam Định 42 tàu/128 người; Thanh Hoá 268 tàu/1.236 người; Nghệ An 27 tàu/127 người; Quảng Bình 9 tàu/56 người; Quảng Ngãi 107 tàu/758 người; Bình Định 3 tàu/17 người. Trong sáng nay, các tàu sẽ tiếp tục di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn.