Những chiếc du thuyền “sang chảnh” chuyên gây ô nhiễm trên biển

Nguyễn Ngân (t/h)|26/09/2018 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Những chiếc du thuyền sang trọng và đẹp đẽ chính là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ cho các các đại dương trên thế giới.

>>> ĐH Ben Gurion, Israel: Tin tặc có thể làm cả thành phố mất nước

>>> Đà Nẵng: Bãi rác lộ thiên trên đường Đinh Công Trứ, người dân khốn khổ

Ảnh minh họa

Tàu du lịch hay du thuyền đã cách mạng hóa cách con người du lịch trên biển từ những năm 1990. Theo Hiệp hội Du lịch Florida-Caribbean, đã có khoảng 24,2 triệu hành khách chọn đi nghỉ mát bằng du thuyền vào năm 2016. Trên những du thuyền khổng lồ, con người có thể ăn uống, mua sắm, bơi lội và tận hưởng đủ mọi dịch vụ giải trí ngay trên biển.  Chính vì vậy, cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ mô tả du thuyền là những “thành phố nổi”. Càng nhiều tiện ích bao nhiêu, du thuyền càng gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp bấy nhiêu.

Ngoài chở hành khách, tàu du lịch cũng chở theo đủ mọi chất thải gây ô nhiễm. Đó là những thứ thải ra từ con người, chất đốt nhiên liệu hay thực phẩm,… đều có tác động rất lớn đối với môi trường. Theo trang Earth, một tàu du lịch chở khách ước tính tạo ra khoảng 794 ngàn lít nước thải vệ sinh, khoảng 3,7 triệu lít nước thải ra từ hoạt động giặt giũ, bồn tắm hay vòi hoa sen. Ngoài ra, còn khoảng 42 lít nước thải nguy hại khác, 8 tấn chất thải rắn và khoảng 94,6 ngàn lít dầu thải.

Những chất ô nhiễm này có thể bị thải ra qua đường không khí hoặc đường thủy, gây tác hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái. Nếu chưa qua xử lý, nước thải sẽ chứa hàm lượng lớn nitơ và phốt pho, có thể trực tiếp dẫn tới cái chết của các rạn san hô và thảm thực vật biển.

Có thể thấy, một hình thức du lịch sinh thái và thưởng ngoạn tự nhiên nhất trên du thuyền lại chính là nguyên nhân gây đảo lộn cuộc sống của hệ sinh thái và động vật hoang dã ở nhiều vùng biển.

Hơn nữa, du thuyền cũng có thể làm hỏng môi trường hoang sơ trên các bãi biển. Khi các mỏ neo của du thuyền có thể phá hủy rạn san hô khi neo đậu mà không hay. Vào tháng 3/2017, một tàu du lịch đã đâm vào rạn san hô đang được Indonesia tích cực bảo tồn, dẫn tới hơn 13 ngàn m2 san hô bị xóa sổ.

Nguy hiểm hơn, tàu du lịch còn có thể va chạm với các loài động vật có vú to lớn dưới nước, ví dụ như cá voi. Theo một báo cáo hồi năm 2004 tiết lộ, 12,7% số vụ tai nạn xảy ra với cá voi trong giai đoạn từ 1975-2002 chủ yếu do tàu du lịch gây ra.

Thế giới đã nhận thức được vấn đề ô nhiễm của du thuyền từ lâu. Cụ thể, các nhà lập pháp quốc tế đã sớm ban hành Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm do tàu thủy (MARPOL) được ký từ năm 1973. Công ước này đặt ra chỉ dẫn cho các quốc gia thành viên bắt buộc phải tuân theo. Tuy nhiên, việc thực thi công ước gặp khó khăn lớn khi tàu du lịch đi qua lãnh hải của những quốc gia không tham gia công ước.

Hiện nay đã có nhiều đội tàu lớn trên thế giới bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt trong sản xuất và vận hành du thuyền. Nhiều công nghệ được đưa vào thử nghiệm như pin năng lượng mặt trời hay hệ thống xử lý nước thải tiên tiến. Nhiều công ty du lịch lữ hành cũng đã nhận thức được vấn đề và đã điều chỉnh hành trình du ngoạn, tránh gây ảnh hưởng đến nơi bảo tồn thiên nhiên.

Hy vọng rằng trong tương lai, số du thuyền gây ô nhiễm có thể giảm bớt hoặc hướng tới xây dựng những chiếc du thuyền xanh hơn, có thể vận hành bằng năng lượng sạch và ít thải chất ô nhiễm ra ngoài môi trường.

Nguyễn Ngân (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chiếc du thuyền “sang chảnh” chuyên gây ô nhiễm trên biển