Những quy định mới trong hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quản lý hoạt động quan trắc môi trường

An Nhiên (T/h)|16/01/2020 02:51
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 quy định: Các hồ sơ đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực (trừ các điều, khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Điều 64 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP) thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của các Nghị định tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ có yêu cầu thực hiện theo quy định của Nghị định này. Các báo cáo định kỳ của chủ dự án, cơ sở và khu công nghiệp về quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động liên tục, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, quản lý phế liệu nhập khẩu, kết quả giám sát và phục hồi môi trường và các báo cáo môi trường khác được lồng ghép trong cùng một báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Bộ TN&MT hướng dẫn thực hiện quy định này.

Ảnh minh họa

Trong Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 quy định cụ thể một số điều trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 như sau:

Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản;

Kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường;

Điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;

Công bố sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường;

Tiêu chí lựa chọn, thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt;

Quản lý chất lượng môi trường;

Quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;

Báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

Theo đó, Tổng cục Môi trường công bố Danh mục, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái “Nhãn xanh Việt Nam” trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc ký và công bố các nội dung thảo thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường với các tổ chức chứng nhận nhãn sinh thái trong nước và ngoài nước.

Tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường phải lập hồ sơ bản giấy hoặc bản điện tử để lưu giữ và theo dõi riêng đối với hoạt động quan trắc môi trường mà tổ chức thực hiện để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Các hồ sơ liên quan tới hoạt động quan trắc môi trường của tổ chức bao gồm: sổ theo dõi hóa chất, các phiếu trả kết quả, hồ sơ quản lý sử dụng thiết bị quan trắc môi trường, số hoặc hệ thống theo dõi giao nhận mẫu phòng thí nghiệm, hồ sơ về bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường…

Về báo cáo công tác bảo vệ môi trường: Chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12) được gửi tới các Cơ quan đã phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ về môi trường tương đương của dự án, cơ sở và Sở tài nguyên và Môi trường nơi dự án, cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

An Nhiên (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những quy định mới trong hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quản lý hoạt động quan trắc môi trường