Những sự kiện môi trường nổi bật năm 2023

Minh Châu|30/12/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Năm 2023 chứng kiến nhiều vấn đề môi trường nổi bật. Tòa soạn Tạp chí Môi trường và Cuộc sống điểm lại những sự kiện tiêu biểu đáng chú ý.

VIDEO: Những sự kiện môi trường nổi bật năm 2023

1. Quy hoạch điện 8

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).

21-mt.jpg
Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền

Dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Đến năm 2030 hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 ước tính 134,7 tỷ USD; giai đoạn 2031-2050 ước tính 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD…

2. Ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Sau khi chia chất thải rắn sinh hoạt làm 3 nhóm chính, Bộ TNMT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí mặt bằng tập kết, trạm trung chuyển; lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

3. Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao

Chính phủ vừa duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đề án dự kiến được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL, chia làm 2 giai đoạn từ năm 2024 - năm 2025 và từ năm 2026 đến năm 2030 với tổng nguồn vốn dự kiến cho đề án là 650 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới chiếm 61,5%, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 21,5%, số còn là nguồn tín dụng và một số nguồn viện trợ không hoàn lại của một số tổ chức quốc tế.

4. Phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)

21-mt1.png
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có lợi thế để xây dựng “cánh đồng lớn”

Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra ngày 1/12 ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG), được lãnh đạo cấp cao các nước thành viên IPG đánh giá cao.

Các bên liên quan cam kết cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.

5. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua

Tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Luật quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm đó là: Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước. Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

Các hành vi: Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch cũng bị nghiêm cấm.

6. Xây dựng nhà ở riêng lẻ, thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở phải đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ

Ngày 15/9, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (thường gọi là chung cư mini). Theo đó, loại hình nhà ở này phải đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật; Có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong quá trình sử dụng…

Trường hợp chuyển đổi công năng sang các mục đích khác phải tuân thủ theo quy định của quy chuẩn này và phải được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt như đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.

7. Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước

Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát.

Theo Bộ Xây dựng, mục đích xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp, thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành nhằm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

8. Khởi tố vụ án hình sự "Gây ô nhiễm môi trường" xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn

Cơ quan CSĐT CA tỉnh Thanh Hoá đã ra Quyết định số 106/QĐ-CSKT ngày 11/8/2023 về việc khởi tố vụ án hình sự: "Gây ô nhiễm môi trường" xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, để điều tra theo quy định của pháp luật.

Theo đó, ngày 30/12/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận nguồn tin và hồ sơ vụ việc từ Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) về việc đổ thải 237 tấn tro, xỉ phát sinh từ hoạt động lò hơi của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đã đổ thải ra vườn nhà ông Lê Hồng Lai (địa chỉ giáp sông Lạch Bạng, tổ dân phố Hải Lâm, phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn) và nhà ông Mai Văn Linh (địa chỉ xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn) có dấu hiệu tội phạm gây ô nhiễm môi trường.

Căn cứ: Kết luận giám định số 46/QTMB ngày 14/3/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Công văn số 1711/BXD-VLXD ngày 05/5/2023 của Bộ Xây dựng và kết quả kiểm tra, xác minh của Cơ quan cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Thanh Hoá.

Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm "Gây ô nhiễm môi trường" quy định tại Khoản 2 Điều 235 Bộ Luật hình sự. Căn cứ Điều 36, Điều 143, khoản 1 Điều 153, Điều 154 Bộ Luật tố tụng hình sự. Công an tỉnh Thanh Hoá đã quyết định khởi tố vụ án hình sự: "Gây ô nhiễm môi trường" xảy ra tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Quyết định này cũng đã được gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Trước đó năm 2022, sau khi Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống thông tin, Tổng Cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã vào cuộc kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 557.777.000 đồng đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; Thực hiện không đúng một trong các nội dung của giấy phép môi trường theo quy định.

9. Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Bảo vệ môi trường

21-mt2.jpg
BTC trao giải cho các thí sinh đạt giải tuần 2 đợt 1

Cuộc thi do Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phối hợp tổ chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân từ 15 tuổi trở lên trên toàn quốc đều có thể tham gia cuộc thi. Cuộc thi diễn ra trong 06 tháng (180 ngày), bắt đầu từ ngày 22/11/2023 đến hết ngày 22/5/2024.

Cuộc thi nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, biển, hải đảo, đất đai, nước, không khí, tài nguyên, khoáng sản, quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường...

10. Sự cố vỡ cống hồ thải ở Tả Phời (Lào Cai)

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 650 triệu đồng đối với Công ty cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Hai hành vi vi phạm của Công ty cổ phần đồng Tả Phời – Vinacomin được nêu rõ tại quyết định số 3077/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai gồm: Sự cố vỡ cống thoát nước mặt của hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển đồng Tả Phời, xã Tả Phời, TP.Lào Cai xảy ra ngày 8/8 khiến 49ha lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản của bốn xã phường lân cận bị vùi lấp; Đứt gãy, bồi lắng hàng loạt công trình thủy lợi ở xã Tả Phời, Cam Đường. 76 hộ dân thôn Phời 3 dùng nước sinh hoạt nhỏ lẻ bị mất nước do hư hỏng đường ống. Gần 50 giếng nước ăn của nhân dân bị vùi lấp. Mức xử phạt của hành vi này là 400 triệu đồng. Hành vi thứ hai là cung cấp không chính xác, không trung thực thông tin về kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào vận hành thử nghiệm theo quy định. Mức xử phạt của hành vi này là 250 triệu đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sự kiện môi trường nổi bật năm 2023