(Moitruong.net.vn) – Thời gian gần đây, tại vùng bãi ngang huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân trắng tay sau một đêm.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, số diện tích ao, đầm có tôm nuôi bị chết ở 3 xã bãi ngang Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã lên đến hơn 685/956ha, với 1.053 hộ bị thiệt hại, trong đó có nhiều hộ mất trắng.
Ông Đinh Nhật Thành, xã Kim Đông, cho biết: Ngay từ đầu vụ tôm 2017, bà con ở đây đã tiến hành cải tạo vệ sinh ao đầm, kênh mương, dùng vôi bột để khử trùng, diệt tạp và bắt đầu thả tôm từ tháng 3/2017. Đến khoảng đầu tháng 6/2017, xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt khiến nhiều hộ nuôi tôm mất ăn mất ngủ, nhiều hộ trắng tay chỉ trong một đêm.
Còn anh Đào Văn Cường ở xóm 6 xã Kim Đông cho hay: “Gần 2 mẫu đầm tôm nuôi sắp đến ngày thu hoạch, giờ chết cả khiến vợ chồng tôi trở tay không kịp. Cách đây khoảng 10 ngày, khi cho tôm ăn, tôi thấy tôm có hiện tượng chết, nổi đỏ rải rác khắp ao hai vợ chồng tìm mua thuốc về xử lý nhưng không kịp. Bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư vào tôm giờ coi như mất trắng. Không biết bao giờ gia đình mới trả hết nợ”.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Trường Thu – Chủ tịch UBND xã Kim Trung – cho biết: Vụ tôm năm nay, toàn xã có trên 700 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 277ha. Trong đó, khoảng trên 40 hộ nuôi công nghiệp với diện tích 53,6ha, chủ yếu là nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Hiện tượng tôm chết hàng loạt bắt đầu từ đầu tháng 6, tỉ lệ tôm chết chiếm từ 80-90%. Đến nay, tổng diện tích thiệt hại của xã Kim Trung khoảng 149ha.“Chúng tôi đã yêu cầu các hộ dân tiến hành cải tạo lại ao đầm và dùng hóa chất để xử lý. Đồng thời, lập kế hoạch đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ về vốn, hóa chất, con giống và tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm… để người dân tiếp tục nuôi thả vụ mới” – ông Thu cho biết.
Theo phản ánh của bà con, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt có thể do nguồn nước lấy vào các ao, đầm nuôi bị ô nhiễm, cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài trong những ngày vừa qua khiến tôm bị nhiễm bệnh chết nhanh và khó kiểm soát. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết, toàn xã có trên 289ha nuôi tôm, song đợt vừa qua tôm chết tới hơn 90% diện tích, khiến 247 hộ bị ảnh hưởng.
“Sau khi phát hiện tôm chết rải rác ở các hộ nuôi trên địa bàn huyện, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình lấy 8 mẫu bệnh gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả cho thấy, tôm đã bị nhiễm vi khuẩn V parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND)” – ông Trần Anh Khôi – Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Sơn – nói. Trước thực trạng tôm chết hàng loạt, Phòng NN&PTNT huyện Kim Sơn khuyến cáo người dân nên tổ chức thu hoạch đối với các diện tích tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm.
Ngoài ra, tiến hành xử lý, quản lý chất lượng nguồn nước trong ao nuôi và có biện pháp che nắng cho diện tích ao nuôi vào các thời điểm thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài…
N.Trường (TH)