Ninh Thuận: Áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm ứng phó với hạn mặn

Ngọc Linh (t/h)|17/03/2020 10:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời tiết nắng nóng liên tục khiến nhiều vùng sản xuất khô cằn, mô hình tưới nước tiết kiệm được chôn ngầm dưới đất và tưới phun mưa tự động được áp dụng nhằm tiết kiệm nước ngọt trong mùa khô.

Để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều nông hộ ở tỉnh Ninh Thuận đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng khác nhau nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn.

Để chủ động ứng phó với tình trạng hạn mặn, nhiều bà con tại tỉnh Hậu Giang đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Chỉ tính riêng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, hiện đã có trên 100 hộ áp dụng mô hình tưới phun mưa nhằm tiết kiệm nước.

Để nhân rộng mô hình và ứng phó với tình trạng khan hiếm nước ngọt vào mùa khô, ngành Nông nghiệp địa phương cho biết sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và khoảng 50% chi phí cho bất kỳ nhà vườn nào muốn áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước này.

Bên cạnh đó, mô hình trên còn giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm chi phí điện, tiết kiệm năng lượng (điện, xăng, dầu) phục vụ tưới, qua đó đã giảm tư 3-5 triệu đồng/sào (1.000 m2)/vụ. Áp dụng mô hình trên, năng suất cây trồng tăng từ 20-40%, cá biệt có những hộ tăng 50-70%; thu nhập tăng từ 5-7 triệu đồng/sào/vụ, so với phương pháp tưới tràn truyền thống.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất còn có nhiều lợi ích khác như tiết kiệm nguồn nước ngầm, khai thác tối đa diện tích canh tác, tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, chống cát bay, sa mạc hóa trên vùng đất khô hạn tại Ninh Thuận.

Phương pháp tưới nước tiết kiệm không chỉ giúp cây trồng hấp thụ nước hiệu quả, các hộ cũng có thể tính toán được từng loại cây trồng sử dụng lượng nước bao nhiêu để cân đối nguồn nước tưới hợp lý.

Sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm còn giúp giảm được nguồn nhân công, tiết kiệm thời gian chăm sóc cây.

Nhờ hiệu quả mang lại, hiện nay cùng với áp dụng tưới tiết kiệm cho cây nho, nhiều nông hộ cũng đang nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm trên một số loại cây trồng như cây măng tây xanh, nha đam, hành, ngò, đậu phộng và một số cây hoa màu khác. Đặc biệt, nhờ áp dụng tưới nước tiết kiệm, bà con nông dân có thể mở rộng sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, góp phần hạn chế quá trình hoang mạc hóa đất đai.

Điển hình tại vùng đất cát ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, gia đình anh Từ Văn Phúc là một trong những hộ áp dụng khá hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm trên cây măng tây xanh.

Những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục ở địa phương khiến nguồn nước khan hiếm, vào mùa Hè nhu cầu tưới tăng cao nên gia đình anh Phúc phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng lấy nước nhưng cũng vẫn thiếu nước tưới do mạch nước ngầm sụt giảm.

Hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa 

“Để có nước sản xuất cho 5 sào măng tây, năm 2018, gia đình đầu tư gần 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa tự động và tưới nhỏ giọt. Tưới tiết kiệm chỉ cần xả van tưới tự động là xong, thời gian rảnh mình đi làm các công việc khác. Do lượng nước tưới tự động được điều tiết đủ để giữ ẩm cho cây măng tây mà nước lại không bị thất thoát chảy tràn ra ngoài nên tiết kiệm được một lượng nước khá lớn,” anh Phúc chia sẻ.

Để tiết kiệm nước, hiện nay, các hộ dân đang áp dụng hai cách tưới tiết kiệm là tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Hệ thống tưới nước tiết kiệm được lắp đặt khá đơn giản gồm máy bơm, bồn nước, đường ống lắp van điều tiết đặt khắp vườn.

Theo tính toán, tưới tiết kiệm giúp tiết giảm từ 20-40%, thậm chí với một số loại cây trồng có thể tiết kiệm được 60-70% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống.

Ngoài ra, có thể kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới, giúp giảm chi phí sản xuất.

Theo ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng và áp dụng công nghệ tưới tiên tiến là một trong những giải pháp khả thi nhằm sử dụng nguồn nước tưới hợp lý và hiệu quả trước ảnh hưởng của thời tiết khô hạn năm nay.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500ha đất sản xuất gồm cây nho, táo, mía, mãng cầu, bưởi, mít, cây rau màu, cỏ chăn nuôi áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất được các cơ quan chuyên môn đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống.

Để ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước tưới vào mùa khô, ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích và sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm trên diện tích các loại cây trồng khác nhau.

Có thể thấy, hệ thống tưới tự động đang có những ưu điểm vượt trội hơn với phương pháp tưới truyền thống.

>>> Ninh Thuận: Mùa khô hạn đến sớm, nhiều địa phương thiếu nước sản xuất

Tuy nhiên, không phải ai cũng mạnh dạn để lựa chọn và đầu tư một hệ thống tưới nước tiết kiệm. Số đông bà con vẫn chưa đủ điều kiện đưa công nghệ này vào sản xuất.

Để khuyến khích các nông hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, tỉnh Ninh Thuận cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn để đầu tư và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng.

Bên cạnh đó, ngành chức năng phối hợp với các đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị tưới nước tiết kiệm tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Từ đó, các mô hình tưới nước tiết kiệm sẽ được nhân rộng, góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất ở vùng đất vốn xảy ra tình trạng khô hạn thường xuyên như Ninh Thuận.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm ứng phó với hạn mặn