Thời gian qua, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 đã tập trung phương tiện, thiết bị hiện đại và nhân lực, ngày, đêm đẩy nhanh tiến độ thi công Cụm Công trình hồ chứa nước Sông Cái, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) để kịp đưa vào khai thác vào cuối năm 2021. Hiện, tổng thể công trình đã hoàn thành hơn 98% khối lượng, trong đó có nhiều hạng mục đã hoàn thành 100%.
Theo đó, cụm công trình hồ chứa nước Sông Cái, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, có tổng vốn đầu tư 5.951 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đây là dự án đa mục tiêu, góp phần nâng cao năng lực cung ứng nước phục vụ sản xuất, phát triển thủy điện sau đập; chống lũ, chống khô hạn cho tỉnh Ninh Thuận.
Đây là công trình cấp 1, gồm đập chính và 4 đập phụ tạo hồ điều tiết năm, dung tích hữu ích hơn 199 triệu m3, dung tích toàn bộ hơn 219 triệu m3 ; một tràn xả mặt; một tràn xả sâu; một cống tại đập chính tiếp nước xuống sông Cái và cho đập dâng Tân Mỹ; một cống lấy nước tại đập phụ 1.
Cụm Công trình Hồ chứa nước Sông Cái thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ thi công đạt 98% khối lượng
Ngoài công trình thủy lợi còn có một nhà máy thủy điện sau đập chính; một nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái phía thượng lưu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, cụm đầu mối gồm đập chính và bốn đập phụ kết cấu bê-tông đầm lăn. Toàn bộ móng các đập đều đặt trên nền đá granite phong hóa nhẹ và đá gốc. Nền đập được xử lý các đứt gãy và khe nứt bằng bê-tông M20, xử lý chống thấm và gia cố nền bằng khoan phụt vữa xi măng. Các hạng mục: tràn xả lũ, tràn xả sâu, cống dẫn dòng, cống tiếp nước xuống hạ lưu, cống lấy nước, xử lý nền đập, hệ thống quan trắc, đường quản lý vận hành kế hợp thi công…. được thi công bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.
Chúng tôi lần lượt đi thăm các hạng mục chính của công trình, với chiều dài đập chính và các đập phụ là 2.760 m. Trên mặt nền đập, hàng chục tổ công nhân kỹ thuật đang khẩn trương thi công hoàn thiện các hạng mục thuộc đập chính để sớm đưa cụm công trình đầu mối vào sử dụng theo kế hoạch.
Theo Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7, kết cấu các đập là bê-tông đầm lăn (RCC) trong thân đập có bố trí các hành lang để thu nước thân đập và nền đập, mặt đập là lớp bê-tông thường có cao trình trên mực nước dâng bình thường, bảo vệ an toàn cho kết cấu chính trước những tác động tiêu cực nhiệt độ diễn biến bất thường theo từng mùa trong năm, nhất là đối với khí hậu Ninh Thuận.
Xác định đây là dự án đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Ninh Thuận. Do đó, trong quá trình thi công, Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng đã triển khai bảy đợt kiểm tra hiện trường. Thời điểm kiểm tra gần nhất vào tháng 3/2021, Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng xác định: Đập không tràn: vai phải, vai trái thi công bê-tông đầm lăn (RCC) đạt cao trình +197.2/197.5m, hoàn thành gần đạt 100%, chỉ còn phần bề mặt đập.
Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng kết luận, các hạng mục công trình gồm đập dâng, đập tràn, các đập phụ có kết cấu bê-tông đầm lăn và bê-tông cốt thép được các nhà thầu thi công theo đúng các yêu cầu của thiết kế. Công tác xử lý nền đập, xử lý các đứt gãy, khe nứt, khoan phụt chống thấm nền đập và hoàn công hố móng theo đúng yêu cầu của thiết kế…. bảo đảm chất lượng.
Các chuyên gia của Hội đồng thống nhất đã đủ các điều kiện để nút cống dẫn dòng, phục vụ tích nước đến cao độ 158,56m theo đúng tiến độ, góp phần chống hạn cho mùa khô và hoàn thành công trình trong năm 2021. Nhà thầu tiếp tục thi công hoàn thiện công trình sau tích nước. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác thử khô hệ thống cửa van cống xả sâu; hoàn thành mái che nhà trạm nguồn cho tủ bảng điện, trạm bơm dầu thủy lực, cầu trục phục vụ công tác vận hành, sửa chữa cống xả sâu, để phát huy hiệu quả công trình khi đưa vào khai thác.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, trước đây, nguồn nước tưới dựa vào Thủy điện Đa Nhim và 21 hồ chứa của tỉnh chỉ đủ tưới cho 40% diện tích đất sản xuất. Hiện, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có dung tích trữ nước lớn hơn tổng dung tích của 21 hồ chứa nước hiện có của tỉnh (219 triệu m3/194 triệu m3), là dự án thủy lợi đầu tiên của cả nước được đầu tư xây dựng theo mô hình hiện đại, điều tiết nước tưới bằng đường ống áp lực thông qua hệ thống đường ống kín, giúp cho tỉnh hiện thực hóa chủ trương xây dựng hệ thống liên hồ và tưới chủ động tiết kiệm nước.
Dự án sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất canh tác khu vực hạ lưu, tiếp nước cho hệ thống hệ thống thủy lợi, hồ chứa, khu tưới hiện có của tỉnh, gồm: hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm, hồ Cho Mo, Thành Sơn, hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu, hồ ông Kinh…, đồng thời, tạo nguồn tiếp nước cho vùng nam Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và khu tưới sông Than khi hồ chưa hoàn thành, bổ sung nguồn nước sinh hoạt và phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.
Theo Nhandan.vn