Ninh Thuận: Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp bền vững

Hoài Thương (T/h)|08/09/2021 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ninh Thuận là vùng khô hạn, để sử dụng hiệu quả nguồn nước, những năm qua ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều công nghệ tưới tiết kiệm trên các loại cây trồng khác nhau.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, Ninh Thuận là địa phương có khí hậu khô nóng quanh năm, mùa mưa rất ngắn nên thường xuyên bị khô hạn, điều này đã gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, khí hậu khô hạn cũng tạo điều kiện thích hợp cho sự phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Nho, Táo, Hành tỏi, Măng tây xanh, Nha đam, Rong sụn, sản xuất giống thuỷ sản, giống cây trồng và chăn nuôi Dê, Cừu.

Toàn tỉnh có khoảng 84.000 ha diện tích gieo trồng hàng năm, trong đó cây lương thực (lúa, ngô) chiếm phần lớn với diện tích, khoảng 55.000 ha; cây mía 2.500 ha, sắn 4.000 ha, cây công nghiệp dài ngày 4.728 ha và cây rau đậu các loại. Ngoài ra diện tích các loại cây lâu năm khoảng 12.628 ha, trong đó Nho 1.209 ha, Táo 996 ha, các loại cây ăn quả khác khoảng 3.685 ha.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII đã định hướng sản xuất nông nghiệp, đó là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Với tình hình thực tế khan hiếm nguồn nước, tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới thường xuyên xảy ra, do đó việc triển khai tưới tiết kiệm đã được ngành nông nghiệp Ninh Thuận triển khai từ nhiều năm qua, với nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân.

Kết quả ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2020, diện tích cây trồng áp dụng tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 1.523 ha. Trong đó, cây hàng năm 271,4 ha; cây ăn quả các loại 575 ha (Nho 204 ha; Táo, Thanh long, Chuối, Mãng cầu và một số cây ăn quả khác 371 ha); rau màu và đậu các loại 677 ha (Măng tây 80 ha, rau màu còn lại 597 ha).

Ngoài ra, trên cây lúa địa phương đã triển khai thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, áp dụng phương pháp dùng ống chia vạch (tưới ướt khô xen kẽ) được thực hiện từ năm 2010 đến nay, với diện tích nhận rộng hàng năm khoảng 10.000 – 12.000 ha.

Tưới phun giúp tiết kiệm nước. Ảnh: Minh An

Việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng ở Ninh Thuận đã mang lại kết quả rất tốt. Theo ông Cương, giải pháp tưới tiết kiệm là một giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như tỉnh Ninh Thuận nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản, cải thiện đời sống của người dân.

Qua thực tế cho thấy, phương pháp tưới tiết kiệm đã giảm được lượng nước tưới rất lớn so với tưới tràn truyền thống. Nó giúp giảm áp lực khai thác nguồn nước ngầm và đủ nước sử dụng trong cả mùa khô kéo dài. Tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái ở các vùng đất bị hạn hán, xói mòn và đang có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

Công nghệ tưới nước tiết kiệm tại Ninh Thuận được triển khai ứng dụng trên cả mặt đất bằng phẳng và không bằng phẳng, tùy theo từng loại cây trồng mà người dân áp dụng công nghệ tưới phù hợp mang lại hiệu quả cao.

Qua thực tế, việc áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng tại Ninh Thuận đã giảm từ 20-40% lượng nước tưới, giảm 30% công lao động, tiết kiệm 30% năng lượng điện và phân bón, tăng thu nhập cho người sản xuất từ 10-15%.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước tại các công trình thủy lợi để kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp quản lý và điều tiết để sử dụng hợp lý nguồn nước nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất và ổn định đời sống người dân.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho các cây trồng nhằm đảm bảo mục tiêu, định hướng cho phát triển nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoài Thương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ninh Thuận: Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.