Ninh Thuận: Huyện Thuận Bắc linh hoạt sản xuất vụ Hè – Thu ứng phó với khô hạn

Vũ Thành|11/06/2022 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đến thời điểm hiện tại, mặc dù lượng nước tại các hồ chứa cơ bản đảm bảo cho sản xuất vụ Hè – Thu, tuy nhiên do thuộc khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn nên huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra các giải pháp, phương án ứng phó linh hoạt ngay từ đầu vụ để tránh thiệt hại cho nông dân.

Tính đến đầu tháng 5, lượng nước tích trữ tại hồ Sông Trâu còn 20,95 triệu m3, đạt trên 66,4% dung tích thiết kế; hồ Bà Râu 2,32 triệu m3, đạt 49,7% dung tích thiết kế; một số đập thời vụ đã cạn không đảm bảo cho sản xuất. Ông Trần Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Quan điểm của huyện là ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc và cây trồng lâu năm. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, huyện chỉ đạo các xã tập trung rà soát, bố trí cây trồng phù hợp theo từng xứ đồng, tránh tình trạng xuống giống da beo, gây khó khăn trong việc điều tiết nước. Cùng với đó, tuyên truyền nông dân tổ chức xuống giống hè-thu đảm bảo tiến độ, theo khung lịch thời vụ mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo.

Nông dân xã Bắc Phong làm đất xuống giống vụ Hè – Thu.

Theo kế hoạch, vụ Hè – Thu năm nay toàn huyện Thuận Bắc gieo trồng hơn 3.195 ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa 2.208 ha, còn lại là diện tích cây màu, tập trung sản xuất chủ yếu ở các vùng tưới hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, hệ thống kênh Bắc, trạm bơm Mỹ Nhơn và trạm bơm Lợi Hải. Phấn đấu đến giữa tháng 6 phải hoàn thành việc gieo sạ đối với cây lúa. Còn lại các cây trồng khác, tùy thuộc vào điều kiện từng vùng xuống giống phù hợp. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, ngay từ đầu vụ, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được huyện triển khai như tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân xuống giống tập trung theo đúng lịch thời vụ. Theo đó, đối với cây lúa, khuyến cáo sử dụng giống cấp xác nhận, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 phải, 3 tăng”. Riêng hoa màu, áp dụng quy trình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, giao cho Trạm Thủy nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường phối hợp với các xã tổ chức điều tiết nước hợp lý xuyên suốt mùa vụ; tích cực kiểm tra, theo dõi và thực hiện kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng.

Rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất trong những năm qua, ở những khu vực trồng lúa xa nguồn nước thường kém hiệu quả, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chủ động lựa chọn cây trồng cạn, tiết kiệm nước để trồng thay thế, nhằm tránh tình trạng bỏ hoang đất. Trong vụ Hè – Thu năm nay, toàn huyện dự kiến chuyển 59 ha cây ngắn ngày trên chân đất lúa thiếu nước ở các xã Bắc Phong, Lợi Hải, Công Hải và Bắc Sơn, với các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định, gắn thực hiện liên kết với một số công ty, doanh nghiệp và các hợp tác xã trên địa bàn tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con mở rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, thực hiện mô hình luân canh, xen canh cây trồng.

Đặc biệt, để người dân yên tâm sản xuất trong thời điểm giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, huyện Thuận Bắc còn chỉ đạo phòng, ban liên quan và UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; đồng thời, khuyến cáo bà con giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, hướng tới mùa vụ đạt kết quả cao.

Vũ Thành

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Huyện Thuận Bắc linh hoạt sản xuất vụ Hè – Thu ứng phó với khô hạn