Nỗi lo sinh kế của hàng chục triệu người hạ nguồn dòng Mekong

Mai An (t/h)|11/05/2020 11:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng chục triệu người đang bị đe dọa nghiêm trọng khi hạ lưu sông Mekong ngày càng khô hạn hơn.

Ngư dân ở Đông Bắc Thái Lan cho biết sản lượng cá trên sông Mekong sụt giảm mạnh trong khi sinh kế của nhiều nông dân ở Việt Nam và Campuchia lao đao vì mất mùa. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là bởi mực nước thất thường trên sông Mekong – con sông dài thứ 3 châu Á (khoảng 4.300 km).

Nghiên cứu của nhiều tổ chức phi chính phủ gần đây chỉ ra rằng 11 đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng lưu sông Mekong, với 5 con đập trong số này hoạt động từ năm 2017, đã làm thay đổi dòng chảy của sông, khiến mực nước sông trở nên thất thường, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hơn 60 triệu dân ở các quốc gia khu vực hạ lưu sông.

Một nghiên cứu ở Mỹ mới đây hé lộ thêm về đợt khô hạn bất thường vào mùa mưa năm ngoái ở hạ lưu sông Mekong, khiến mực nước xuống thấp kỷ lục vào tháng 7/2019.

Trong thời gian đó, ngay cả khi ở hạ lưu khô hạn, thượng nguồn sông Mekong vẫn có dòng chảy lớn. Nhưng các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại lượng nước cao kỷ lục, đến mức mực nước tại Thái Lan không hề tăng trong cả 6 tháng mùa mưa 2019.

Ngư dân đánh cá trên sông Mekong ở Nakhon Phanom, Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Ngày 7/5, các nhà nghiên cứu đã có buổi họp báo để phân tích thêm. Họ cho biết dòng chảy ở hạ lưu đã trở nên bất thường từ 2012, năm hoàn thành đập thủy điện lớn nhất của Trung Quốc, ảnh hưởng hệ sinh thái và sinh kế ở hạ lưu.

Phát hiện của nhóm xác nhận điều mà một số bên đã nghi ngờ từ trước về các đập thủy điện Trung Quốc.

Báo cáo viết, hành động của Trung Quốc đã và đang gây ra những thay đổi thất thường đối với sự hoạt động tự nhiên của dòng sông và tác động tiêu cực đến mực nước ở hạ nguồn. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạn hán ở hạ lưu đã tăng lên trong hai thập niên qua, tương ứng với việc Trung Quốc hạn chế dòng chảy ở thượng nguồn trong mùa khô, khiến Thái Lan, Campuchia và Việt Nam hứng chịu những đợt hạn hán rất nghiêm trọng.

Sông Mekong dài trên 4.300 km, chảy từ cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trước khi đổ ra biển Đông không chỉ là tuyến giao thông thủy dài thứ ba ở châu Á mà còn là nguồn sống của hàng trăm triệu cư dân ven bờ hiện đã bị biến đổi sâu sắc.

Theo ông Bunleap Leang, giám đốc điều hành mạng lưới 3S Rivers Protection Network, một tổ chức phi chính phủ ở Campuchia, trong nhiều năm qua năng suất cây trồng và vật nuôi, nhất là nguồn lợi thủy sản ở vùng hạ lưu bị giảm đáng kể do nguồn nước về ít gây ô nhiễm và hoang mạc hóa nhiều vùng đất ngập nước.

Vào tháng 7/2019, Thái Lan phải điều quân đội để đối phó khẩn cấp với hạn hán chưa từng có ở các tỉnh đông bắc.

Ở Campuchia, người dân đánh cá dọc Biển Hồ ghi nhận lượng cá đánh bắt được giảm 80-90%.

Ngoài các đập thủy điện ở thượng nguồn, khu vực ĐBSCL sẽ còn bị ảnh hưởng lớn bởi nhiều đập thủy điện khác ở hạ lưu, cả dòng chính và các nhánh sông, theo các chuyên gia.

Mực nước sông Mekong hiện thường ở mức thấp và tần suất hạn hán ngày càng tăng ở hạ lưu. Ảnh: AFP

Hiện tại, trên khắp lưu vực, Lào đang có 64 đập thủy điện đang xây dựng, và 301 đang lên kế hoạch. Campuchia có 1 đang xây dựng và 66 lên kế hoạch, còn Trung Quốc có 8 đập thủy điện đã lên kế hoạch, theo số liệu của Viện Stimson.

Nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, thực hiện từ năm 2012-2017, cho thấy các dự án đập ở dòng chính và nhánh sông, xây dựng từ nay cho đến 2040, sẽ “đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực trong vùng”, theo bản tóm tắt được công bố bởi International Rivers, tổ chức bảo vệ các dòng sông và cộng đồng ven sông.

Theo đó, các đập này sẽ giảm lượng phù sa xuống vùng đồng bằng châu thổ tới 97%. Hệ thủy sinh sẽ bị giảm 35-40% vào năm 2020, và 40-80% vào năm 2040. Nguồn cá ở Việt Nam có thể giảm 30%.

Theo ông Wood, lượng phù sa giảm xuống sẽ làm giảm sản lượng gạo. Ngoài ra, còn có mất mát về mặt xã hội (sinh kế, di cư) hay môi trường (mất rừng, mất đa dạng sinh học, xói mòn bờ sông).

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo sinh kế của hàng chục triệu người hạ nguồn dòng Mekong