Nông dân Kiên Giang giảm bớt nỗi lo xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất

Tuấn Kiệt|19/03/2022 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình hình mặn xâm nhập sớm, mùa khô 2021 – 2022, tỉnh Kiên Giang đã chủ động có kế hoạch ứng phó nên đã bảo vệ được diện tích lúa gieo sạ của bà con nông dân.

Theo nhận định của viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô 2021 – 2022 mặn xâm nhập sớm hơn trung bình nhiều năm nhưng mức độ xâm nhập sẽ không gay gắt như năm 2019 – 2020. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại ở các năm trước, Kiên Giang đã nắm bắt tình hình ngay đầu mùa khô và có những biện pháp hữu hiệu “chặn mặn” cho nông dân an tâm sản xuất.

Việc vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất – Kiên Lương, Giang Thành, Thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé (Châu Thành), vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt đã giúp đảm bảo phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2021 – 2022.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, từ đầu mùa khô 2021 – 2022 đến trung tuần tháng 3/2022 này, chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do hạn mặn gây ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cũng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn giúp nông dân an tâm sản xuất.

Khẩn trương gia cố hệ thống cống, đập ngăn mặn xâm nhập

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã đưa vào vận hành, chủ động kiểm soát nguồn nước. Cống Cái Bé đóng kín từ ngày 06/02/2022, đảm bảo khống chế độ mặn tại trạm Trâm Bầu (Châu Thành) dưới 1‰, chủ động mở xả ô nhiễm khi thủy triều xuống, đảm bảo cho yêu cầu sản xuất. Việc vận hành đóng cống Cái Bé cùng với cụm công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên đã tạo điều kiện giữ được khá lớn lượng nước ngọt từ sông Hậu đổ về qua các kênh trục nên mực nước nội đồng trong các khu vực này thường giữ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, hạn chế xâm nhập nhập mặn tại các cửa kênh chưa có công trình ngăn mặn.

Mặt khác, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất – Kiên Lương, các địa bàn huyện Giang Thành, thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé, vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 – 2022. Chi cục Thủy lợi thông tin về tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Chi cục Thủy lợi xây dựng kế hoạch gia cố, đắp mới 70 đập đất ngăn mặn theo thời vụ trên địa bàn các huyện trong vùng bị ảnh hưởng mặn và đến nay đã đắp 49 đập đất, số còn lại sẽ tiếp tục đắp tùy theo diễn biến khô hạn và xâm nhập mặn tại các địa phương trong thời giam tới.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung cho hay, dự báo xâm nhập mặn ở Kiên Giang xấp xỉ trung bình nhiều năm, mặn xâm nhập mạnh tiếp tục có xu thế gia tăng cho đến hết tháng 4/2022, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 4/2022 khả năng tương đương mùa khô 2020 – 2021, vì vậy, nông dân cần chú ý các đợt xâm nhập mặn mạnh là từ 22 – 25/3, 04 – 07/4 và 20 – 22/4.

Chi cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, kịp thời thông báo tình hình mặn, nguồn nước, mực nước… cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt, ứng phó hiệu quả với tình huống xấu, bất lợi có thể xảy ra.

Cùng với đó, các huyện, thành phố tuyên truyền vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước hợp lý, khuyên cáo nông dân không nên xuống giống vụ Xuân Hè 2022 để đảm bảo nước tưới cho các vùng bị hạn chế và tránh bị thiệt hại vào cuối vụ.

Hòn Đất là địa phương có diện tích sản xuất gieo trồng và sản lượng lúa hàng năm lớn nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang. Vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022, tổng diện tích xuống giống của huyện hơn 80.000 ha, đạt trên 100% kế hoạch và đến nay đã thu hoạch hơn 6.000 ha, năng suất bình quân 7,3 tấn/ha.

Phía Bắc Quốc lộ 80, huyện Hòn Đất, bà con rất phấn khởi, gần như không còn lo xâm nhập mặn gây hại, an tâm sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 – 2022 và những loại cây trồng, vật nuôi khác.

Theo nông dân nơi này, vùng phía Bắc Quốc lộ 80 là vùng sản xuất ven biển, những năm trước đây, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô, gây tổn thất trong sản xuất vụ mùa, nhất là khi lúa đang giai đoạn đòng trỗ trở về cuối vụ mà gặp khô hạn, thiếu nước, mặn xâm nhập thì thiệt hại nặng, có hộ gia đình mất trắng tay, không thu hoạch được hột lúa nào.

Riêng mùa khô năm nay, nông dân bớt đi nỗi lo tình trạng xâm nhập mặn gây hại, an tâm sản xuất do tỉnh và huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, giữ ngọt để bảo vệ và phát triển sản xuất lúa vụ Đông Xuân.

Hiện nay toàn tỉnh Kiên Giang đã gieo sạ xong vụ lúa đông xuân với diện tích trên 283.000ha. Các địa phương đã thu hoạch đạt hơn 10% diện tích gieo trồng. Đa số diện tích lúa còn lại vẫn còn 1 đến 2 đợt bơm lấy nước vào ruộng do đó vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa ở những trà lúa sạ trễ. Riêng huyện Hòn Đất, tính đến thời điểm hiện tại đã thu hạch khoảng 30% diện tích, đối với khu vực nam lộ 80 lúa đang trong giai đoạn đòng trổ – chín. Do đó, tình hình hạn hán xâm nhập mặn kéo dài tới tháng 4 -2022 sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa của bà con nông dân ở những trà lúa sạ trễ.

Theo ngành nông nghiệp khuyến cáo, các địa phương cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với các tình huống mặn xâm nhập. Các địa phương phải cập nhật thường xuyên diễn biến nguồn nước, lịch đóng mở các cống để người dân chủ động trong việc bơm nước phục vụ sản xuất. Khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra nguồn nước, độ mặn trước khi bơm vào ruộng.

Tuấn Kiệt

Bài liên quan
  • Kiên Giang: Đắp đập tạm ngăn mặn xâm nhập
    Moitruong.net.vn – Mùa hạn mặn vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp dẫn nước, trữ nước, như đắp đập tạm tại các nhánh sông chưa có công trình điều tiết kiểm soát mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Kiên Giang giảm bớt nỗi lo xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất