Nông nghiệp tuần hoàn (Bài 2): Tồn tại nhiều khó khăn, thách thức

Văn Khánh |06/05/2023 19:30

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Do đó, rất cần sự hậu thuẫn, chia sẻ và chung tay của chính quyền địa phương...

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn phải đổi mới tư duy

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp cả nước khoảng 156,8 triệu tấn. Trong đó, 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản...

Cụ thể, ước tính khối lượng phụ phẩm cây trồng và chất thải rất lớn: Với 42,7 triệu tấn lúa thì 60 triệu tấn phụ phẩm từ rơm, vỏ trấu, cám; gần 10 triệu tấn phế phụ phẩm từ sản xuất ngô; hơn 850 ngàn tấn phế phụ phẩm từ khoai lang; trên 12 triệu tấn phế phụ phẩm từ sắn…

Riêng khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

nong-nghiep-tuan-hoan-3.jpg
Nhiều thách thức trong phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn nông nghiệp

Nhưng thực tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các phế, phụ phẩm nông nghiệp. Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt mới đạt 52,2%, ngành chăn nuôi là 75,1%, lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%.

Theo ông Thắng, nguồn phế phụ phẩm này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Nếu chúng ta tận dụng được toàn bộ khối lượng khổng lồ phế phẩm này sẽ đạt giá trị sản xuất nông nghiệp vô cùng lớn, tăng từ 30-100%.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn với doanh nghiệp cũng như người sản xuất trong việc đưa nguyên lý tuần hoàn vào trong nông nghiệp là làm sao để có được công nghệ tốt, quy trình tốt để thúc đẩy áp dụng tuần hoàn.

Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn, chỉ ra những thách thức trong phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn. Đầu tiên đó là nhận thức về kinh tế tuần hoàn.

Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn coi đây là mô hình gây tốn kém chi phí, mất thời gian, công sức, chưa nhận thức được lợi ích mang lại. Bên cạnh đó, tâm lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân là e ngại, sợ rủi ro.

Ngoài ra, khung chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn mới đang trong quá trình hoàn thiện. Việc đầu tư công hay đầu tư tư nhân cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế.

Đồng tình, TS. Nguyễn Minh Tú, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng để áp dụng, thay đổi cần nguồn tài chính lớn mà hiệu quả thu được thì đến từ từ.

Đôi khi để áp dụng tại doanh nghiệp phải nhập công nghệ nước ngoài mới đáp ứng được nên chi phí tài chính rất lớn, trong khi đó chưa có ưu đãi cho doanh nghiệp tái chế.

Ngoài ra, chi phí xử lý nước cũng cao hơn thông thường. Hiện nay chưa có bộ nhận diện thương hiệu, hay hướng dẫn thực hiện quy cách, giải pháp kinh tế tuần hoàn. Trong khi luật nhiều khi không đồng nhất, chồng chéo, chưa tạo ra được những động lực đột phá để huy động nguồn lực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý môi trường vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Giang Thu - Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường, Bộ NN&TPTN, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nước ta hiện nay chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của Việt Nam. Tỷ lệ thu, tái chế phụ phầm còn quá thấp. Trong khi đó, phụ phẩm nông nghiệp cần được coi là nguồn tài nguyên tái tạo, là đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Thực tế, còn một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp đang chưa được xử lý, thải ra môi trường vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế khi hoạt động nghiên cứu và phát triển công tác này còn hạn chế trong các doanh nghiệp; sự gắn kết giữa các tổ chức với các trường đại học và các doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số...

nong-nghiep-tuan-hoan-4.jpg
Chăn nuôi bò sữa tại trang trại Tân Đáo (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) - Ảnh: C.Tuệ

'Điểm nghẽn' về chính sách trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, 'điểm nghẽn' hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là khi lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác thì vướng các quy định của Luật bảo vệ môi trường.

Tại diễn đàn Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi do Tổ điều hành diễn đàn kết nối 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đề xuất tháo gỡ về rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác.

Ông Công dẫn chứng, chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng chúng ta lại không có đồng cỏ.

Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đi thu mua bã, thân cây, cành cây,... tại các nhà máy chế biến nông sản thì lại vướng, không vận chuyển được bởi nó được coi là chất thải theo Luật bảo vệ môi trường.

Luật chăn nuôi quy định động vật, gia súc gia cầm khi bị dịch bệnh phải đưa đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp.

Ông kiến nghị có thể dùng phương pháp xử lý bằng nhiệt ở nhiệt độ 100 độ C, có thể tái sử dụng vật nuôi đó làm thức ăn cho vật nuôi khác.

Về chăn nuôi bền vững, an toàn, ông Công cho rằng các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường…) để đảm bảo sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất.

Tiếp đó, các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng phải tham gia chuỗi tuần hoàn này.

"Xu thế trên thế giới, đó là sử dụng thịt mát thay thế cho thịt nóng bởi sẽ bảo quản tốt hơn, hạn chế được những vi sinh vật có hại trong miếng thịt. Đồng thời phải có cách nào để quản lý thực phẩm an toàn, các siêu thị, công ty đưa ra thị trường phải đảm bảo và tự giám sát chất lượng,..." - ông Công nói.

Ông Công cũng đề xuất, Nhà nước cũng nên tính tới giải pháp "đặt hàng" các cơ sở chăn nuôi dự trữ vật nuôi từ vài vạn tới vài chục vạn con, nhất là heo để chủ động trước các tình huống như giá thịt hơi giảm hay nguồn cung ra thị trường giảm, từ đó giảm biến động chỉ số CPI.

Ông Dương Tất Thắng, cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhấn mạnh nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến.

Theo ông Thắng, từ xa xưa vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi đã được thể hiện qua nhiều mô hình như VAC, VACR, lúa-cá-vịt, xử lý rơm cho chế biến phân bón vi sinh...

Tuy nhiên, đến nay với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu thế của thế giới và khu vực.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh, cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực và sáng kiến từ doanh nghiệp, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp tuần hoàn (Bài 2): Tồn tại nhiều khó khăn, thách thức