Nông nghiệp Việt Nam vượt khó, giữ đà tăng trưởng dương

Hồng Anh (t/h)|30/06/2020 01:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với nỗ lực rất lớn trong bối cảnh dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp tăng trưởng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp tăng trưởng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi “thoát âm” và tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%.

Với những giải pháp phù hợp, đến nay, ngành nông nghiệp vẫn có những điểm sáng trong điều kiện chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 và thiên tai, nổi bật nhất là thắng lợi của vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 tại Tây Nam bộ. Sản lượng lúa toàn vùng ước đạt trên 11 triệu tấn dù diễn ra trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, mức độ gay gắt hơn và duy trì trong thời gian dài, vượt mức lịch sử năm 2015-2016.

Tính chung cả nước, 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn lúa, đạt 98,5% so với cùng kỳ, qua đó vừa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu, với giá xuất khẩu tăng gần 13%, giá trị xuất khẩu tăng khoảng 27,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với ngành chăn nuôi, chăn nuôi trâu bò, đàn gia cầm tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng đàn bò tăng khoảng 3,4%; đàn gia cầm phát triển tốt với mức tăng khoảng 7,4%. Đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 25 triệu con, nhưng tốc độ tăng đàn chủ yếu vẫn ở các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn; khu vực hộ chăn nuôi còn chậm. Ngoài ra, sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp còn có sự đóng góp rất lớn của lĩnh vực thủy sản với tổng sản lượng thủy sản 6 tháng ước đạt gần 3,86 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó sản lượng khai thác đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,4%; nuôi trồng đạt 1,98 triệu tấn, tăng 1,8%.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại lớn, ngành nông nghiệp vẫn giữ tăng trưởng dương, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội.

Tuy nhiên, điểm nhấn nổi bật trong xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2020 là Việt Nam đã đưa được quả vải thiều sang Nhật Bản thành công. Cùng với đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu để không bị tác động bởi thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm, có 9 dự án chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020 là hết sức nặng nề, khó khăn. Để tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,5 – 3% như kịch bản đã đề ra, cần có sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương. Về phía Bộ, sẽ tập trung chỉ đạo điều hành kịp thời, linh hoạt, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù cho những lĩnh vực khó đạt.

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cây trồng, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn. Nghiên cứu thị trường và chỉ đạo các địa phương, nơi có điều kiện để tăng diện tích sản xuất rau, cây ngắn ngày; chăm sóc cây ăn quả để đạt sản lượng và chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tiếp tục kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước. Đồng thời, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ thúc đẩy cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà máy chế biến rau quả, dừa, nông, lâm sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại khởi công và đi vào hoạt động ngay trong năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là các thị trường trọng điểm, để kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu nông sản. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn…

Hồng Anh (t/h)

Bài liên quan
  • Hướng tới nông nghiệp thông minh, chất lượng cao
    Moitruong.net.vn – Phát triển các mô hình thông minh trong nông nghiệp. Việc cơ cấu lại toàn diện nền nông nghiệp cũng được thực hiện, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nông nghiệp Việt Nam vượt khó, giữ đà tăng trưởng dương
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.