Nữ bác sĩ và “chuyến công tác 8 giờ” sang Vũ Hán đón 30 công dân Việt Nam

An Nhiên|26/02/2020 08:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sợ bố quá lo lắng, nữ bác sĩ BV Phụ sản Trung ương đã giấu bố, tham gia chuyến công tác 8 giờ sang Vũ Hán để đón 30 công dân về nước.

Ngày 5/2/2020, sau khi nhận được công văn đề nghị của Bộ Y tế về việc cử chuyên gia y tế và chuẩn bị trang thiết bị hỗ trợ việc đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cử 1 bác sĩ và trang thiết bị chuyên dụng cần thiết tham gia đội chuyên gia y tế qua Hồ Bắc, Trung Quốc.

Chuyến bay này đón học sinh, sinh viên, phụ huynh người Việt đang ở Vũ Hán có nguyện vọng trở về nước. Trong 30 hành khách trở về có 1 sản phụ đang mang thai sắp đến ngày sinh. Chính vì vậy sẽ rất cần có bác sĩ chuyên khoa sản cùng tham gia chuyến đi, sẵn sàng trợ giúp thai phụ trên chuyến bay.

Nữ bác sĩ N.T.H.P., 31 tuổi, công tác tại khoa Phụ ngoại và Kế hoạch tổng hợp, BV Phụ sản Trung ương cùng với 1 bác sĩ phó khoa Cấp cứu, 1 điều dưỡng BV Bệnh nhiệt đới Trung ương là 3 nhân viên y tế có mặt trên chuyến bay đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc về nước ngày 10/2.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, toàn bộ 30 công dân và đoàn công tác đã được cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 trong vòng 14 ngày.

Đoàn công tác tiếp nhận các công dân Việt Nam

Chị P. chia sẻ, khi được giao nhiệm vụ cùng đoàn đón công dân tại Vũ Hán, chị khá bất ngờ và lo lắng vì Vũ Hán đang là tâm dịch Covid-19.

Chị được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho một thai phụ đang mang thai 36 tuần, có thể sinh bất cứ lúc nào.

“Khi biết tôi nhận nhiệm vụ, mọi người trong gia đình rất lo lắng nhưng cả nhà đều bảo nhiệm vụ được giao rồi thì phải cố gắng hoàn thành. Cả gia đình cùng chuẩn bị đồ cho tôi mang theo trong quá trình cách ly, đặc biệt em gái tôi là bác sĩ nhi khoa ngày nào cũng gửi các thông tin về cách phòng lây nhiễm vì sợ chị quên hoặc không đủ thông tin”, bác sĩ P. chia sẻ.

Tuy nhiên, đến nay bố là người duy nhất không biết chị P. tham gia chuyến công tác này. Chị giải thích: “Vì sợ bố quá lo lắng, không cho con đi”.

Chị P. chia sẻ, ban đầu chị lo lắng thật sự vì đây là nhiệm vụ quốc gia. Dù được lãnh đạo bệnh viện động viên nhưng chị chưa hình dung khi về sẽ phải cách ly như thế nào và có xoay trở kịp với các tình huống trên máy bay hay không.

Tất cả thông tin ban đầu chị biết là có một thai phụ khoảng 8 tháng trong số 30 công dân về nước, ngoài ra không có thông tin gì thêm.

“Tôi đã nghĩ trong đầu tất cả các kịch bản như thai phụ chuyển dạ sinh trên máy bay; hay bị tiền sản giật, sản giật; hay bị rau tiền đạo ra máu; bị dọa đẻ non”, chị P. nhớ lại.

Sau khi được tham gia các cuộc họp với đoàn công tác, biết rõ lịch trình, công tác sàng lọc, quá trình vận chuyển, phương tiện bảo hộ… chị P. đã yên tâm hơn rất nhiều vì mọi thứ được chuẩn bị rất chu đáo.

Sau đó nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, chị đã tự lên danh sách các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý khi xảy ra các kịch bản.

Trước ngày lên đường, bác sĩ P. liên lạc với thai phụ qua điện thoại và nhận được tất cả kết quả siêu âm, khám thai, xét nghiệm qua mail.

“Thai phụ chia sẻ, do dịch viêm phổi cấp nên 1 tháng nay cô ấy không đi khám thai nên không biết tình trạng của cả mẹ và con hiện tại như nào”, bác sĩ Phương kể lại.

BS Phương kiểm tra sức khoẻ thai phụ trên chuyến bay

Chuyến công tác ngắn ngủi trong  8 giờ

Tối 9/2, bác sĩ Phương và 2 bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cùng 15 người trong phi hành đoàn từ sân bay Nội Bài chở theo hàng hỗ trợ, trang thiết bị y tế đến thành phố Vũ Hán. Mỗi người mặc quần áo bảo hộ 2 lớp, khẩu trang, găng tay để ngăn ngừa nhiễm virus corona.

Phía bên BV Bệnh nhiệt đới cũng đã chuẩn bị rất chu đáo cả máy thở, dịch truyền… nếu có tình huống phát sinh, bác sĩ P. có thể dùng các thiết bị này.

Cũng theo bác sĩ Phương, đây có lẽ là chuyến đi nước ngoài ngắn nhất và đặc biệt của chị. 18h ngày 9/2, có mặt tại BV Phụ sản Trung ương, mang theo vali cấp cứu. 18h45 đến BV Bệnh nhiệt đới 2: tập trung với đoàn y tế, nghe dặn dò, học cách mặc, cởi đồ bảo hộ. 20h có mặt tại sân bay, check in, tập kết đồ.

21h, cả đoàn lên máy bay, mặc đồ bảo hộ. 22h10, máy bay cất cánh, bay mất 1h45 phút. Gần 1h sáng giờ Việt Nam, máy bay hạ cánh xuống sân bay Vũ Hán, bốc đồ viện trợ, thay đồ bảo hộ lần 2.

Khi đó, 30 công dân Việt Nam đã làm thủ tục xuất cảnh xong xuôi, mặc quần áo bảo hộ.

Tất cả hành khách và phi hành đoàn được kiểm tra sức khỏe trước khi lên máy bay. Bác sĩ P. kiểm tra cho thai phụ, nghe tim thai, đo huyết áp. Mọi thứ đều ổn, lúc này cả đoàn mới lên máy bay trở về.

Trên máy bay, tất cả công dân được đo thân nhiệt lần nữa (do dưới sân bay lạnh quá, đo không chính xác), riêng thai phụ được ưu tiên chỗ ngồi phù hợp nhất để kịp thời xử lý tình huống nếu trở dạ.

5h10 ngày 10/2, máy bay hạ cánh tại Vân Đồn. 7h, cả đoàn lên xe về BV Bệnh nhiệt đới 2 để cách ly.

“Mình được cách ly rất an toàn, được các y bác sĩ chăm sóc, đưa cơm ăn tận giường. Cơm cách ly ở bệnh viện rất ngon”, bác sĩ P. vui vẻ chia sẻ từ phòng cách ly.

Nữ bác sĩ và các đồng nghiệp trước khi máy bay cất cánh đi Vũ Hán đón công dân Việt Nam – Ảnh: BVPS

“Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nếu có yếu tố nguy cơ, cần phải cách ly dù biết sẽ ảnh hưởng đến công việc, gia đình, nhưng đó là nhiệm vụ, để phòng nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Tôi là bác sĩ, tôi cũng muốn nói lời cảm ơn các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, họ đã rất vất vả chăm lo cho cả người theo dõi, bệnh nhân dương tính, phục vụ bệnh nhân cơm ăn, nước uống tận giường và mọi nhu cầu sinh hoạt khác”, chị P. cảm kích chia sẻ.

Tối 11/2, để ghi nhận, động viên kịp thời các bác sĩ trong đoàn công tác, Bộ Y tế đã trao bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và BV Phụ sản Trung ương đã tham gia đoàn công tác đón 30 công dân Việt Nam về nước.

Với người dân, đây là những “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng, chăm lo sức khoẻ cho tất cả thành viên đoàn và 30 công dân có mặt trên chuyến bay.

An Nhiên

Bài liên quan
  • Biện pháp xử lý khẩu trang y tế đúng cách để tránh lây nhiễm Virus Corona
    Moitruong.net.vn – Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (viết tắt là NcoV) đã và đang khiến toàn cầu hoang mang. Một vấn đề liên quan đến khẩu trang rất đáng ngại chính là rác khẩu trang tràn lan ở mọi nơi, mọi chỗ. Vậy cần xử lý khẩu trang y tế sau khi sử dụng xong như thế nào để mầm mống dịch bệnh không thể lây lan? Hãy cùng lắng nghe cuộc trao đổi ngắn của PV Tạp chí Môi trường và cuộc sống với ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nữ bác sĩ và “chuyến công tác 8 giờ” sang Vũ Hán đón 30 công dân Việt Nam