– Suốt nhiều năm, cả 2 đô thị TP HCM và Hà Nội phải đối diện với tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, nhất là ô nhiễm bụi. Thế nhưng, ngay cả khi các giải pháp cấp bách được thực thi, như trồng thêm các mảng xanh đô thị, nạo vét kênh mương, về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng,… thì ô nhiễm bụi vẫn đang tác động trực tiếp đến chất lượng sống của người dân đô thị.
>>> Hà Nội: Chất lượng không khí đang duy trì mức trung bình
>>> TP. Hồ Chí Minh: Triển khai kế hoạch phục vụ vệ sinh công cộng dịp Tết Kỷ Hợi 2019
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM mô tả, hiện tượng người dân đi ngoài đường thấy mù mịt, khi trời nắng có cảm giác trong không khí có màu sương khói, tuy nhiên đây lại là dấu hiệu ô nhiễm bụi. Vào mùa nắng nóng, lưu lượng phương tiện ở các đô thị di chuyển với cường độ lớn, dẫn đến ô nhiễm bụi sẽ gia tăng, dẫn đến nguy cơ về các bệnh hô hấp.
Theo chuyên gia này, bụi thường xuyên duy trì ở ngưỡng cao, với nhiều loại khí độc hại, như NO2, O3, CO, CO2,… Bởi vì, các kết quả khảo sát đối với các loại khí độc trên trong nhiều năm luôn cho ra các con số thống kê vượt quy chuẩn, khiến tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến hô hấp tăng mạnh, đặc biệt là trẻ em. Địa điểm thường thu được số liệu nồng độ NO2 đặc biệt cao là ở các giao lộ ngã 3, ngã tư và vào các khung giờ cao điểm. Khí CO cũng là một tác nhân độc hại, được xác định có tần suất lớn và dày đặc hơn ở các khu vực tập trung sản xuất công nghiệp của đô thị. Các khí độc tổng hợp có trong bụi, phát sinh từ hệ thống công trường xây dựng chung cư, khu đô thị, dự án đào đường, sửa chữa hệ thống thoát nước,… cũng gây ra các lo ngại về bệnh hô hấp.
Nhiều ý kiến lo ngại về hiện tượng gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân trong vài năm gần đây, trong đó nêu đến vấn đề chính quyền các đô thị còn buông lỏng đối với dịch vụ vận tải hành khách. Chỉ tính riêng hãng Grab, có thời điểm lượng đầu xe GrabBike, GrabCar,… tăng đến hàng trăm đầu xe, gây sức ép trực tiếp đối với hạ tầng giao thông các đô thị, trong đó tập trung tại Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn rất nhiều là lượng khí thải CO2 tác động trực tiếp đến chất lượng không khí ở các đô thị này.
Tại TP HCM, khảo sát tốc độ tăng xe máy từ 10 – 15%/năm, với chuẩn EURO 2 là mức gây ô nhiễm môi trường lớn mà nhiều nước đã bỏ hoặc cải tiến. Điều đáng lo ngại là với gần 8,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có gần 7,9 triệu xe máy, tính trung bình các phương tiện này chỉ tiêu thụ 56% lượng xăng thì đã thải ra môi trường đến 94% HC, 87% CO và 57% khí NOx, đều là các khí thải độc hại.
Một khảo sát vào cuối tháng 1/2019 tại nhiều điểm ở Hà Nội cũng ghi nhận chất lượng không khí (AQI) có lúc gần chạm mức nguy hiểm, trong đó nhiều nhất là bụi mịn PM 2.5. Báo cáo xác định thời điểm ô nhiễm không khí cao nhất thường tại Hà Nội xuất hiện vào buổi sáng (từ 7-8h), buổi chiều (18-19h) và giảm xuống thấp nhất vào ban đêm (23-1h) khi lưu lượng phương tiện giao thông giảm đi.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí, nhất là ô nhiễm bụi đang chưa được quản lý, tầm soát bởi một hệ thống thực thi pháp luật về môi trường. Hiện nước ta có Luật Môi trường nhưng cơ chế xử lý còn chưa rõ ràng và cũng không đảm bảo tính răn đe. Hoạt động giám sát hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong khi người dân thì còn chủ quan, thiếu kiến thức cơ bản về các bệnh sinh ra từ ô nhiễm không khí.
Các quan trắc khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra tại 20 vị trí khác nhau ở TP HCM cho con số đáng lo ngại. Cụ thể, bụi lơ lửng từ các phương tiện giao thông thải ra, với hơn 72% vượt tiêu chuẩn cho phép. Những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao, tập trung ở các khu vực ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái (Q.2); khu vực đường Cộng Hòa, Trường Chinh, ngã sáu Gò Vấp…
Ở Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm cũng được xác định phát sinh từ hoạt động giao thông, với 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng hợp chất hữu cơ dạng hơi mà mắt thường khó nhìn thấy được. Cũng giống như TP HCM, do số lượng dân nhập cư đông đổ về Thủ đô, cùng việc khởi công nhiều siêu dự án lớn trong một vài năm gần đây như hệ thống đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc tỏa về Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân ở thủ đô.
Đến bao giờ hạn chế được phương tiện cá nhân?
Từ cuối năm 2018, Sở TNMT và Sở GTVT TP HCM đã có kế hoạch đề xuất UBND TP xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy. Năm 2019, nếu được chấp thuận thì thành phố sẽ xem xét, chủ trương thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm xây dựng đề án này. Hiện nay, các Sở đang soạn thảo đề xuất xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải mô tô, xe máy, cũng như xây dựng cơ chế chính sách và lộ trình thực hiện các giải pháp kiểm soát khí thải do mô tô, xe máy gây ra trên địa bàn. Các phương án thu hồi các xe máy, ô tô, mô tô cũ gây ô nhiễm; hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe máy điện và phân vùng hạn chế giao thông cũng được tính đến trong quá trình tham mưu, đề xuất với UBND TP.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh góp ý TP HCM cần sớm áp dụng các biện pháp đăng kiểm và kiểm tra khí thải đối với phương tiện cá nhân, đặc biệt với xe máy. Chuyên gia này cho rằng, hiện xe máy phát triển quá nhanh, tăng cả về số lượng kèm theo vấn đề chất lượng khó kiểm soát. Do đó, xe máy đã quá hạn sử dụng nhất thiết cần được Nhà nước thu hồi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song song đó, chính quyền các đô thị cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân ý thức việc hi sinh các nhu cầu cá nhân để chung tay vì môi trường sống chung.
Việc hạn chế xe cá nhân là cấp thiết, vì theo GS.TS Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM) thì ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng tại các đô thị, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị đặc biệt. Còn theo báo cáo Chỉ số Chất lượng môi trường (EPI) của Đại học Yale và Columbia, thì chất lượng không khí tại Việt Nam nằm trong tốp 10 nước cảnh báo cao nhất, nằm ở vị trí 170/180 quốc gia được khảo sát. Chính vì vậy mà GS Bằng đề nghị nhiều lần chính quyền thành phố cần tính tới việc quản lý các phương tiện cá nhân đã quá đát, hết niên hạn sử dụng, như các xe ô tô, xe gắn máy cũ, sử dụng dầu diesel, và các phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Về dài hạn thì chính quyền thành phố còn phải tính đến cả phương án quy hoạch khu vực xử lý chất thải để ngăn chặn ngay từ đầu các nguồn thải gây ô nhiễm không khí.
Theo Đại đoàn kết