“Ô nhiễm bụi tập trung vào những tháng mùa đông như tháng 12, tháng 1. Vào các tháng mùa hè như tháng 7-8, mưa nhiều, nồng độ bụi thấp hơn hẳn”. Nhận định này của Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt.
>>>Mê Linh, Hà Nội: Dân “kêu trời” vì ô nhiễm do thi công mạng lưới cấp nước
>>>Sương muối phủ trắng đỉnh Fansipan
Ảnh minh họa
Mùa đông là mùa được coi có mức độ ô nhiễm không khí do bụi cao nhất trong năm. Có thể nhìn thấy rõ ràng điều này qua số liệu thực tế từ trạm quan trắc chất lượng không khí tại đường Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) trong những năm gần đây.
Lý giải về vấn đề này, Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt cho biết, sở dĩ có tình trạng này, bởi mùa đông thường có gió mùa đông bắc tràn về, khí áp tăng cao, nhiệt độ hạ xuống làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm khó phát tán lên cao và bay ra xa. Điều này làm cho các chất ô nhiễm luẩn quẩn sát mặt đất trong một thời gian dài.
Ông Hiển cảnh báo, do bức xạ, nên trong mùa đông thường xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt sát mặt đất về ban đêm. Vì vậy, các Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cần nghiên cứu và dự báo chất lượng không khí thời điểm nghịch nhiệt. Bởi cứ lên cao 100 mét, nhiệt độ lại giảm đi 0,6 độ. Nhưng khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt thì nhiệt độ lại tăng theo độ cao, khiến cho các chất ô nhiễm không phát tán lên cao mà cứ tích tụ trong phạm vi 150-200 mét sát mặt đất.
Điều này gây nên tình trạng tăng đột biến các hạt bụi lơ lửng có kích thước bé hơn 1% mi-li-mét (PM10). Đây là loại bụi dễ thâm nhập vào đường hô hấp của con người, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là những người có tuổi. Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, hầu hết các chất ô nhiễm này đều tăng cao, trong đó bụi khí tăng cao nhất.
Theo một công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO công bố hồi đầu năm 2018 cho biết, Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, nghiên cứu viên GreenID cho biết: “Chúng tôi đã phân tích chất lượng không khí ở Hà Nội và TP HCM dựa trên dữ liệu quan trắc công khai trong suốt ba năm qua và luôn kiến nghị lắp đặt thêm các trạm quan trắc để có bức tranh đầy đủ về chất lượng không khí ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đang sử dụng nguồn dữ liệu hiện có để đưa ra những cảnh báo về hiện trạng chất lượng không khí để người dân có thể chủ động bảo vệ sức khỏe gia đình khi ô nhiễm ở mức cao”. Hiện tại Hà Nội chỉ có 13 trạm quan trắc không khí và TP HCM có 1 trạm công bố số liệu trực tuyến cho người dân.
Khảo sát của GreenID cũng chỉ ra rằng, giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất năng lượng được cho là ba nguồn ô nhiễm không khí hàng đầu tại các thành phố. Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc trung tâm GreenID, người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng môi trường Goldman nhận định: “Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam khó có thể cải thiện khi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm khoảng 40 nhà máy điện than từ nay tới năm 2030”.
Bích Thuần (t/h)