Những ngày qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP HCM ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ, cam) – là mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe của người dân. Chỉ số bụi mịn PM2.5 dao động ở mức trên 100 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.
Việt Nam nói chung và các đô thị lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nói riêng những năm gần đây thường xuyên lọt vào danh sách ô nhiễm không khí nhất thế giới. Cụ thể, 98% trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Toà nhà Land Mark 81 (bên phải) chìm trong mù dày đặc ngày 22/9. Ảnh Quỳnh Trần
Tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết tỷ lệ bụi mịn PM 2.5 tăng gấp hơn bốn lần mức độ cho phép gây nhiều tác hại đến đường hô hấp nói chung, bệnh lý tai mũi họng nói riêng.
Theo bác sĩ Minh, trong hệ hô hấp mũi là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường ngoài nên dễ viêm nhiễm khi thay đổi về thời tiết hay ô nhiễm không khí. Đường hô hấp trên bị ảnh hưởng gây các triệu chứng nghẹt sổ mũi viêm xoang nhức đầu và làm tăng tình trạng dị ứng.
Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi. Tiếp xúc lâu dài gây gia tăng viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim, thúc đẩy bệnh xơ gan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến hệ thần kinh…
Để bảo vệ bản thân trước nguy hại của bụi siêu mịn, người lớn, trẻ em nên đeo khẩu trang khi ra đường để giảm bớt tiếp xúc với khói bụi, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc…
Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt và bảo vệ cơ thể trước khi ra đường. Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm ô nhiễm nặng như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng-dầu…cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn.
Lê An (t/h)