Ông Châu Trần Vĩnh – Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ tài nguyên và Môi trường
PV: Theo thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của Thế giới xét về nguồn nước nội địa và khoảng 20% dân cư tại Việt Nam chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. Xin ông cho biết Việt Nam cần làm gì để đối phó với tình trạng mà giới chuyên gia cho là báo động khan hiếm nước sạch?
Ông Châu Trần Vĩnh: Để giảm thiểu tình trạng khan hiếm nước sạch, theo tôi điều đầu tiên phải hoàn thiện chính sách pháp luật để bảo vệ Tài nguyên nước. Những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cơ bản hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước. Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định như: Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 8/6/2015 của Chính phủ quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn. Điều quan trọng là đã kịp thời ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa đã góp phần việc nâng cao hiệu quả phối hợp điều tiết nguồn nước các hồ chứa. Ngoài việc nâng cao khả năng cắt giảm lũ cho hạ du, thì đã góp phần nâng cao hiệu quả cấp nước và nâng cao việc tiếp cận nguồn nước cho người dân và cho sản xuất của các địa phương phía hạ du các hồ chứa.
Với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên nước như vậy, đã góp phần nâng cao được nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.
Tiếp theo là cần phải có giải pháp tổng thể cấp bách và lâu dài. Trước hết phải thực hiện giải pháp song song là cải thiện chất lượng các nguồn nước cấp qua việc đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải, rác thải và cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hiệu quả các công trình cấp nước tập trung.
Để bảo đảm cho người dân được sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y Tế thì việc bảo vệ các nguồn nước cấp nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất là công việc hết sức quan trọng. Bộ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt và chất lượng nước dưới đất, theo đó chất lượng nguồn nước đáp ứng cấp nước cho mục đích sinh hoạt phải đạt yêu cầu cột A của các quy chuẩn này. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước và đề xuất những giải pháp cải thiện các nguồn nước bị ô nhiễm.
PV: Ngày nước Thế giới 22 tháng 3 năm 2019 hướng tới cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao rất nhiều người chưa được sử dụng nước sạch. Quan điểm của ông về chủ đề nàynhư thế nào?
Ông Châu Trần Vĩnh: Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14/6/1992, LHQ đã ra nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước Thế giới, và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến nguồn nước trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chính là do suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
“Nước cho tất cả – Không ai bị bỏ lại phía sau”
Theo thống kê hiện trạng sử dụng nước hiện nay trên toàn thế giới, khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Dự kiến, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể lên tới 30% so với hiện nay. Việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nan, người bản địa, thiểu số, người khuyết tật và nhiều người khác… Đôi khi họ còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong khi họ cố gắng tiếp cận và quản lý nước an toàn mà họ cần.
Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay là “Water for all – Leaving no one behind”“Nước cho tất cả – Không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng đến đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của cộng đồng nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 về Nước sạch và vệ sinh, theo đó đảm bảo sự sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Vì thế, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng – điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.
PV: Để đảm bảo việc sử dụng nước được hiệu quả, bền vững. Xin ông cho biết, trong thời gian tới Cục quản lý tài nguyên nước sẽ có những biện pháp, kế hoạch cụ thể nào?
Ông Châu Trần Vĩnh: Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã tiếp cận toàn diện quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước hiện đại, trong đó quản lý theo hướng tổng hợp, giải quyết tốt các mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên; giữa đất và nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; giữa khối lượng và chất lượng; giữa thượng lưu và hạ lưu; giữa nước ngọt và các vùng ven biển; giữa trong nước và ngoài nước; giữa các đối tượng sử dụng nước.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ 08 Nghị định, trong đó phải kể đến Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 54/2015/NĐ-CP quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó có hành vi quản lý, vận hành công trình gây thất thoát, lãng phí nước (điểm a, khoản 2, Điều 21); Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Đồng thời, việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Để đảm bảo việc sử dụng nước được hiệu quả, bền vững, theo tôi trong thời gian tới cần triển khai những biện pháp cụ thể như:
– Điều tra, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước từ năm 2013 đến nay, qua đó xác định những vấn đề bất cập, khó khăn, tồn tại để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới.
– Rà soát, điều chỉnh các định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá… về tài nguyên nước; điều chỉnh, bổ sung 5 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông: Đồng Nai, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Cả, Srêpốk…
– Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; xử lý các vi phạm của các cơ sở có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép, và không chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP.
– Tiếp tục thực hiện chính sách tài chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, gồm việc thu, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; ưu đãi các hoạt động đầu tư cung cấp nước sinh hoạt, thu gom, xử lý nước thải và các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước hiệu quả, bền vững.
Minh Trí – Thu Hà (Thực hiện)