Hóa thạch của khu rừng từ thời tiền sử được các nhà khoa học tại Đại học Cardiff (Anh) phát hiện gần mỏ đá bỏ hoang ở bang New York, Mỹ. Theo đó, những cây hóa thạch có niên đại 386 triệu năm tuổi được tìm thấy với nhiều đặc tính khác thường. Chúng có khả năng sinh sản nhưng không sử dụng hạt mà phát triển từ bào tử giống như loại nấm ngày nay.
Trước đây, các nhà khoa học nghĩ rằng một khu rừng hóa thạch ở Gilboa, New York là lâu đời nhất nhưng khu rừng hóa thạch ở Cairo xa hơn 2 tới 3 triệu năm tuổi và khác biệt đáng kể. Một thành viên của bảo tàng bang New York là người đầu tiên phát hiện ra những cấu trúc lớn giống rễ cây ở dưới mỏ đá.
Dấu tích hóa thạch về khu rừng cổ xưa được tìm thấy ở bang New York.
Christopher Berry, đồng tác giả nghiên cứu và là một nhà nghiên cứu cổ sinh vật học tại Đại học Cardiff, Anh cho biết, ông hơi hoài nghi khi lần đầu đến thăm địa điểm này. Ông cho rằng một cái cây thời hiện đại có thể đã mọc trong đá và bị loại bỏ.
Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ thông tin về thổ nhưỡng, các nhà nghiên cứu nhanh chóng xác nhận đã tìm thấy những dấu vết rất cổ xưa. Nhóm nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng một trận lụt lớn đã hủy hoại toàn bộ cây cối trong khu rừng rồi bảo tồn hệ thống rễ cây dưới dạng hóa thạch. Thậm chí còn có hóa thạch của cá ở gần những cây lớn nhất. Các nhà nghiên cứu tin rằng, khu rừng trên có diện tích khoảng 3 nghìn mét vuông bao gồm 2 loài cây Eospermatopteris và Archaeopteris phát triển vào giữa thời kỳ Devonia. Loài thứ nhất thuộc về lớp đuôi ngựa, loài thứ hai có thân và lá hình dương xỉ.
Đây được xem là một trong những “nhà máy” xử lý CO2 đầu tiên của thế giới, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của khí quyển.
Về bối cảnh, khu rừng Cairo có tuổi đời lớn hơn 140 triệu năm so với những con khủng long đầu tiên xuất hiện trên Trái đất. Những loài côn trùng cổ xưa nhất sống cách đây khoảng 400 triệu năm và vài triệu năm sau đó những con vật 4 chân đầu tiên đã chinh phục vùng đất này.
Vào giữa kỷ Devonia (khoảng 419 đến 359 triệu năm trước), Berry cho hay, khu rừng Cairo thực sự nằm cách xích đạo khoảng 30 độ về phía nam, giữa khí hậu ôn hòa và khô cằn. Các nhà khoa học đã xác định được 3 loại cây, 2 trong số đó chỉ có tại rừng Cairo cho thấy hệ sinh thái ở đây khác với Gilboa.
Minh Anh (t/h)