Nạo vét sông Đoan Túc,Thái Bình để xử lý ô nhiễm môi trường

Theo TTXVN|22/12/2019 10:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sông Đoan Túc nằm trong lòng thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), có chiều dài hơn 4 km, chảy qua địa bàn 7 tổ dân phố của phường Tiền Phong và một số khu dân cư xã Phú Xuân, cụm công nghiệp Phong Phú (thành phố Thái Bình).

Sông có điểm đầu là cống Nhân Thanh, giáp đê sông Trà Lý và điểm cuối là cầu Mùa… Nhiều năm qua, hàng nghìn người dân ở gần dòng sông này đã phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ lòng sông. Người dân nơi đây cũng như nhiều cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại dòng sông đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 – 2021, đại biểu HĐND tỉnh Lê Hồng Sơn, tổ đại biểu huyện Hưng Hà, đã chất vấn các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan về vấn đề này.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình xác nhận: Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc vẫn diễn ra, chưa có chiều hướng giảm. Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo rất kiên quyết các ngành, địa phương liên quan về vấn đề này. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Thái Bình cũng đã có nhiều giải pháp nhưng sông Đoan Túc vẫn còn ô nhiễm…

Nhiều năm qua, hàng nghìn người dân ở gần dòng sông này đã phải sống chung với mùi xú uế bốc lên từ lòng sông.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cho biết, qua khảo sát xác định nguồn chủ yếu gây ô nhiễm sông Đoan Túc do việc thu gom, xử lý nước thải của các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phong Phú chưa làm triệt để. Trong cụm có 39 doanh nghiệp đấu nối xử lý nước thải chung với khu công nghiệp Phú Khánh, khu Nguyễn Đức Cảnh; còn 14 doanh nghiệp chưa xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra sông Đoan Túc.

Nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân ở 7 tổ dân phố của phường Tiền Phong, dân cư xã Phú Xuân xả thải ra sông Đoan Túc cũng là một nguồn lớn gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, nguồn nước rỉ ra từ bãi rác của Nhà máy xử lý rác ở phường Tiền Phong chảy vào sông cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm… Ngoài ra, chiều rộng của dòng sông Đoan Túc hẹp, tiếp giáp các khu dân cư nên có tình trạng bồi lắng. Đoạn sông ở khu vực tổ dân phố 1, 2, 3, 4, 5 của phường Tiền Phong thấp hơn so với đoạn sông ở cầu Mùa nên nước sông ứ đọng lâu ngày cũng gây ô nhiễm.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tiếp tục duy trì kiểm tra, kiểm soát đối với công tác bảo vệ môi trường dòng sông này. Sở đề nghị UBND thành phố Thái Bình chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng dự án nạo vét, cải tạo môi trường dòng sông này theo chỉ đạo của UBND tỉnh và tăng cường thu gom rác thải trên địa bàn.

UBND thành phố Thái Bình cần xây dựng phương án mở rộng nhà máy xử lý nước thải của thành phố để thu gom nước thải sinh hoạt của các hộ dân khu vực này, có phương án lắp camera tại các điểm đầu xả thải của một số doanh nghiệp được phép xả thải ra sông Đoan Túc để kiểm soát lượng nước và tình trạng ô nhiễm môi trường. UBND thành phố cần bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ cho tổ thanh tra để giám sát môi trường con sông này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục tham mưu với tỉnh điều chỉnh giấy phép xả thải thủy lợi vào hệ thống sông này, công khai các điểm xả thải để người dân giám sát, kiểm tra và chỉ đạo vận hành hệ thống thủy lợi để hợp lý hóa việc nước ra, vào sông Đoan Túc…

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình cho biết thêm, ngành đã thực hiện điều tiết nước tuy nhiên giải pháp mở cống Nhân Thanh lấy nước vào sông Đoan Túc để lưu thông dòng chảy hiệu quả không cao. Ngành Nông nghiệp đã trao đổi với ngành Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu tham mưu với UBND tỉnh bố trí một công trình máy bơm để bơm trực tiếp nước từ sông Nhân Thanh vào sông Đoan Túc, nhằm đẩy nước chảy xuống sông Bạch…

Ông Nguyễn Ngọc Ý, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cũng cho biết, Đoan Túc là sông cụt, rất dài, lại chỉ có một đầu, nước lên nước xuống không thoát được, tích tụ lại ở đoạn cuối sông. Việc kiểm tra, giám sát nước xả thải của các tổ chức, cá nhân ra sông này rất khó khăn. Nước thải sinh hoạt ở khu vực này chưa được thu gom, xử lý… Hiện nay, UBND thành phố đang thực hiện đầu tư nạo vét sông Đoan Túc. UBND thành phố đã xây dựng dự án, giao cho đơn vị thực hiện đang rà soát, xác định điểm nạo vét, điểm đổ bùn ô nhiễm để không gây ô nhiễm tiếp. UBND thành phố đã thành lập tổ công tác tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu xả thải chưa qua xử lý ra môi trường…

Đối với Nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn phường Tiền Phong, công nghệ của nhà máy đã lỗi thời, công suất, năng suất xử lý rác thải hạn chế, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình kiến nghị HĐND tỉnh tổ chức giám sát trực tiếp, xem xét khả năng hoạt động của nhà máy và xem xét bổ sung kinh phí cho nhà máy hoạt động, góp phần giảm ô nhiễm môi trường ở khu vực sông Đoan Túc.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho rằng, giải pháp các đơn vị đưa ra đã khá đầy đủ, trách nhiệm chủ yếu hiện giờ là của thành phố Thái Bình… Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình chỉ đạo UBND thành phố Thái Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường, các bên liên quan nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm của đơn vị, địa phương mình; thực hiện đúng quy trình xử lý tại chỗ lượng nước thải, bảo đảm nước thải phải đạt chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạo vét sông Đoan Túc,Thái Bình để xử lý ô nhiễm môi trường