Ngày 19/7, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2019 - 2022”, với sự tham gia và chủ trì của anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn.
Theo báo cáo về đề án tại hội nghị, trong giai đoạn 2019 - 2022, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã triển khai hơn 390.000 vườn ươm cung cấp cây xanh, hơn 8.000 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với hơn 680.000 đoàn thanh niên tham gia.
3 năm qua, gần 95.000 chi đoàn khu dân cư đã đăng ký thực hiện “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, đã có lần lượt gần 1.600 và khoảng 12.700 công trình thanh niên bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tương tự, có hơn 16.700 ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp liên quan đến nội dung Đề án của thanh niên được triển khai mới.
Đáng chú ý, nhờ những nỗ lực của tuổi trẻ cả nước và các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, đã có 1.052 nhà tránh lũ được xây dựng mới tặng bà con các địa phương. Tổng nguồn lực triển khai Đề án từ Ngân sách Nhà nước đạt hơn 53 tỉ đồng, nguồn xã hội hóa đạt hơn 122 tỉ đồng.
Các báo cáo tại hội nghị cho thấy, toàn bộ 7 chỉ tiêu của Đề án đều đạt và vượt mức đề ra. Trong đó, các chỉ tiêu vượt mức gồm: trồng mới 30 triệu cây xanh; tổ chức 8 nghìn lớp tập huấn; triển khai 200 công trình cấp tỉnh, 1.600 công trình cấp huyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ xây 250 nhà tránh lũ.
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương nhấn mạnh, để đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành và các đơn vị từ Trung ương tới địa phương.
Anh Cương cho rằng, để bảo vệ môi trường sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cần có sự đóng góp công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó đòi hỏi vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ.