Mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng kết hợp khai thác du lịch sinh thái của anh Nguyễn Tấn Vàng (sinh năm 1989, tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) được xem là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu gắn kết bảo vệ sinh thái, môi trường.
Được biết, năm 2017 từ bỏ công việc có thu nhập ổn định tại một cơ quan ở TP Bến Tre, anh Vàng về quê thuê đất của người dân vừa trồng rừng vừa nuôi trồng các loại thủy sản của địa phương như tôm, cua, hàu, cá... Năm 2020, anh mở các homestay phục vụ du khách đến địa phương tham quan và đặt tên khu du lịch là "Người Giữ Rừng" với diện tích 12ha.
Các hoạt động tại đây rất đa dạng và thân thiện với môi trường. Khách du lịch chủ yếu đến từ TP.HCM nên rất thích thú các trải nghiệm, lao động như một người dân bản địa thực thụ bao gồm bơi xuồng, dỡ lồng bắt cua, giăng lưới bắt cá, bắt hàu, bắt nghêu, xổ cống và bắt ba khía ban đêm. Ngoài ra, khách du lịch còn câu cá, thưởng thức các sản vật do mình đánh bắt được và nghỉ đêm tại đây. Mô hình sinh thái này được du khách yêu thích bởi không gian rộng rãi, yên tĩnh, mát mẻ trái ngược hoàn toàn với cuộc sống xô bồ chốn thị thành.
Sau hơn 2 năm hoạt động, Khu du lịch Người Giữ Rừng đã mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng người dân sinh sống dưới tán rừng ngập mặn ven biển Bình Đại, nhất là đảm bảo được sinh kế để người dân yên tâm bám đất, giữ rừng. Đặc biệt, khu du lịch đã giải quyết việc làm cho 22 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4,5 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
Do du khách đến ngày càng đông nên sản lượng tự nuôi trồng không đáp ứng đủ cho nên anh Vàng đã thu mua và cấp đông các sản vật của người dân địa phương có mô hình nuôi tương tự tại khu du lịch của anh. Theo UBND xã Thạnh Phước, toàn xã có hơn 2.600ha đất trồng rừng các loại, trong đó có khoảng 1.100ha đất quy hoạch là đất rừng do Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng quản lý, còn lại là do người dân quản lý. Bình quân, diện tích dao động từ 5-10 ha mỗi hộ dân. Người dân thả nuôi thuỷ sản tự nhiên và khai thác hàng tháng với mức thu nhập ít nhất 5 triệu đồng/hộ, khi trúng có thể lên đến vài chục triệu đồng từ bán tôm cua cho các vựa đầu mối và du khách tham quan.
Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết: Địa phương có một số mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm nhờ vào khai thác giá trị rừng là khu du lịch Người Giữ Rừng và Tâm An. Các khu lịch đều hoạt động khá hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho người dân cũng như nâng cao giá trị sản phẩm thuỷ sản của địa phương.
Bên cạnh đó, dự án khởi nghiệp của anh Nguyễn Tấn Vàng còn xây dựng được không gian giáo dục nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ về tầm quan trọng của môi trường, cửa rừng và hệ sinh thái thông qua các hoạt động trong khu du lịch.
Theo ông Bùi Trần Danh, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Ba Tri – Bình Đại: Hiện nay, tỉnh Bến Tre chưa có khu du lịch trên đất rừng. Các khu du lịch sinh thái ở Bình Đại không nằm trên đất quy hoạch rừng. Tuy nhiên, các khu du lịch sinh thái là địa điểm lý tưởng để tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng. Ông Danh cũng đánh giá mô hình này rất hiệu quả trong nâng cao sinh kế cho người dân, qua đó giúp người dân bảo vệ rừng tốt hơn.
Theo các chuyên gia, du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn hướng tới sự phát triển bền vững là xu hướng phù hợp ở nước ta và thế giới. Để quản lý vấn đề này, Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre đang xây dựng đề án phát triển du lịch theo hình thức này tránh các mô hình tự phát. Vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre cũng tổ chức chuyến tham quan học tập kinh nghiệm khai thác du lịch sinh thái rừng tại các tỉnh có nhiều rừng như Cà Mau.
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, địa phương đang tăng cường quản lý và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ trên bãi bồi để phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu kết hợp phát triển rừng với nuôi thủy sản, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái.