Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp thẩm định Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác thủy sản

Hạ Vy|18/07/2023 18:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu danh mục dự án phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và cụ thể hơn. Việc lập lại trật tự khai thác thủy sản trong 20-30 năm tới là công việc rất khó khăn trong điều kiện nguồn lợi thủy sản suy kiệt, lượng tàu cá còn rất lớn, đồng thời đây là nghề lâu đời của bà con.

18-ptt-tran-luu-quang.jpg
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồi lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

Sáng 18/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là 1 trong 4 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ NN&PTNT tổ chức lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/7/2023.

Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản được xây dựng trong bối cảnh hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển và vùng nội địa đang bị suy giảm nhanh chóng do các hoạt động khai thác quá mức, thậm chí hủy diệt.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản chưa hoàn thiện, chưa được cập nhật đầy đủ và liên tục; một số khu vực chưa có thông tin dữ liệu về nguồn lợi thủy sản do chưa thực hiện điều tra.

Cường lực khai thác thủy sản ngày càng gia tăng, nhất là ở vùng biển ven bờ do lượng tàu còn lớn và vẫn tồn tại việc sử dụng ngư cụ đánh bắt có tính hủy diệt, tận diệt (như chất nổ, xung điện, lưới kéo) gây hại lớn cho nguồn lợi thủy sản.

Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn tiếp diễn; cách thức tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao; cơ sở hậu cần nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dẫn đến khó quản lý tàu cá cũng như sản lượng khai thác.

Lực lượng kiểm tra, tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu, cả về con người và kinh phí, nên công tác tuần tra, kiểm soát không được tiến hành thường xuyên liên tục dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật chưa được ngăn chặn kịp thời.

Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển kinh tế chưa đi đôi với bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sản.

Quy hoạch là bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường

Quan điểm xây dựng Quy hoạch là bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường của các loài thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo tồn đa dạng sinh học, tăng diện tích thủy vực được bảo vệ, bảo tồn tại các vùng biển, vùng nội địa dựa trên cách tiếp cận thận trọng và tiếp cận dựa vào hệ sinh thái.

Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với lợi ích, trách nhiệm của cộng đồng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội từng vùng, các ngành kinh tế; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản.

Khai thác thủy sản phù hợp với tiềm năng, nguồn lực thủy sản, theo hướng hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức sản xuất thủy sản.

Mục tiêu là 3 giảm

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Phát triển, khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 454.676 ha.

Trong số 27 khu bảo tồn biển, có 2 vườn quốc gia, 12 khu dự trữ thiên nhiên và 13 khu bảo tồn-sinh cảnh.

Có 149 khu vực ở vùng biển và 119 khu vực vùng nội địa được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý hiệu quả nhằm bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non, khu vực tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Dự kiến, đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 2,8 triệu tấn so với mức 3,86 triệu tấn của năm 2022 (giảm khoảng hơn 1 triệu tấn); số tàu cá khoảng 83.600 chiếc, giảm khoảng hơn 300.000 tàu so với hiện nay; tổng lao động khoảng 600.000 người, giảm 130.000 lao động so với hiện nay.

Cùng với đó hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có 172 cảng cá và 161 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tiếp tục tập trung đầu tư 5 trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang gắn với các ngư trường trọng điểm và Trung tâm Phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và nước ngọt được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi trữ lượng nguồn lợi, đặc biệt các loài có giá trị kinh tế quan trọng, loài đặc hữu, loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Tăng quy mô, diện tích khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Thành lập mới và hoạt động hiệu quả hệ thống mạng lưới các khu bảo tồn biển góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, ven biển và ven đảo; gắn bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái biển, góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái biển và các nguồn tài nguyên biển.

Cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở các khu vực sinh sản, khu ươm nuôi nguồn giống thủy sản tập trung của các loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài nguy cấp, quý hiếm, loài bản địa và loài di cư hướng đến phục hồi, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

Hình thành nơi cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở vùng biển nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng và ngăn ngừa, dần hạn chế, chấm dứt nghề lưới kéo vốn gây hại cho hệ sinh thái biển.

Cấm các loại nghề, ngư cụ khai thác gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh.

Lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen của các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, hiếm, loài bản địa, loài đặc hữu có giá trị kinh tế. Đa dạng hình thức lưu giữ nguồn gene, lựa chọn đối tượng tiềm năng, đầu tư nghiên cứu sản xuất giống để chủ động việc tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế.

Tăng cường giám sát môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt vùng biển ven bờ, vùng tập trung phát triển kinh tế biển; dự báo xu thế biến động, suy thoái môi trường và các tác động tiêu cực; xử lý có hiệu quả và kịp thời ô nhiễm môi trường ở các vùng biển và trên các thủy vực.

Ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuân thủ các quy định bảo vệ loài rùa biển, thú biển và giảm thiểu đánh bắt loài không chủ ý.

Khuyến khích tối đa sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị-xã hội trong hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Dự kiến hơn 9.000 tỷ đồng để thực hiện Quy hoạch

Bộ NN&PTNT dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch khoảng 9.035 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm gần 21%, vốn địa phương chiếm 24,5%, vốn huy động từ các nguồn khác chiếm 54,6%.

Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cần vốn khoảng 1.250 tỷ đồng, chiếm 13,8%; phần còn lại hơn 86% là của giai đoạn 2026-2030.

Quy hoạch dự kiến 5 nhóm dự án ưu tiên đầu tư về điều chỉnh, thành lập mới khu bảo tồn biển; đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các khu vực bảo tồn biển; đầu tư hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở biển; lưu giữ, bảo tồn nguồn gốc gen các loài thủy sản; đầu tư, tăng cường năng lực các Viện nghiên cứu thủy sản.

Hồ sơ Quy hoạch tuân thủ Luật Quy hoạch 2017

Thảo luận, góp ý dự thảo Quy hoạch, các thành viên của Hội đồng đánh giá Hồ sơ Quy hoạch đã bao gồm đầy đủ các hạng mục theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, thành viên Hội đồng thẩm định, các hợp phần riêng rẽ trong bộ hồ sơ đều được chuẩn bị cẩn thận, có cấu trúc phù hợp với yêu cầu, dễ theo dõi, có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Thông tin được mô tả trong các báo cáo có tính cập nhật, đủ độ tin cậy và phản ánh đúng thực tế các thông tin "đầu vào" hiện có ở nước ta, bên cạnh đó đã phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực có ảnh hưởng đến nghề cá nước ta trong thời gian tới.

Báo cáo tổng hợp quy hoạch đã chỉnh sửa nghiêm túc trên cơ sở tự rà soát và tiếp thu ý kiến phản biện.

Báo cáo quy hoạch đã được hoàn thiện, làm rõ được tính cần thiết phải lập quy hoạch này với các căn cứ chính trị và pháp lý đầy đủ. Hệ thống quan điểm, các mục tiêu, các phương án, định hướng quy hoạch và các giải pháp cơ bản đầy đủ, có tính khả thi.

Hệ thống bản đồ phong phú, nội dung đầy đủ và được trình bày rõ ràng, bảo đảm đúng quy định kỹ thuật về bản đồ, có giá trị minh hoạ cho quy hoạch và cung cấp căn cứ để triển khai cụ thể sau khi quy hoạch được phê duyệt.

Đại diện Bộ KH&ĐT kiến nghị cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn vốn ngân sách cho giai đoạn 2021-2025 để thực hiện Quy hoạch.

Bảo đảm tính khả thi của Quy hoạch ngay sau khi được phê duyệt

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng, đánh giá cao cơ quan trình là Bộ NN&PTNT trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Quy hoạch theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch.

Đặc biệt, đơn vị soạn thảo rất cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến, trong đó có việc mời các thành viên có ý kiến khác thảo luận để đi đến thống nhất giải pháp phù hợp, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc lập lại trật tự khai thác thủy sản trong 20-30 năm tới là công việc rất khó khăn trong điều kiện nguồn lợi thủy sản suy kiệt, lượng tàu cá còn rất lớn, đồng thời đây là nghề lâu đời của bà con.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, trên cơ sở góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch trên nguyên tắc phải bảo đảm phù hợp, không xung đột với với các quy hoạch khác đang có giá trị hiện hành, bảo đảm tuân thủ đúng những nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quy hoạch cần có danh mục dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và cụ thể hơn; xác định rõ hơn khả năng huy động nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm tính khả thi ngay sau khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp thẩm định Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác thủy sản
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.