Phủ 15.000 cây tràm nội cho rừng U Minh Thượng

Hoàng Thơ|20/10/2024 15:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã trồng hơn 15.000 cây tràm nội trên đất ngập phèn.

Hưởng ứng Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh – Vì một Việt Nam xanh" của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Vườn quốc gia U Minh Thượng và một số đối tác khởi động chương trình trồng cây xanh tại khu vực này.

Giai đoạn 1, chương trình trồng 1 hecta rừng tràm đất phèn với 15.000 cây tràm nội (tràm cừ tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng (VQG UMT), tỉnh Kiên Giang. Trong suốt 3 năm tiếp theo, các đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, chăm sóc diện tích rừng tràm mới trồng, đảm bảo cây được sinh trưởng và phát triển tốt.

trong-cay-xanh-u-minh-thuong-4882.jpg
Triển khai trồng cây tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Theo lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, biến đổi khí hậu tác động đến các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Để ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều cách, trong đó việc trồng cây bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù như Vườn quốc gia U Minh Thượng là điều cấp thiết. Việc trồng và phát triển thêm rừng tràm nội sẽ giúp phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái rừng đầm lầy than bùn trước sự sụt giảm và hao hụt do biến đổi khí hậu và cháy rừng gây ra.

Hoạt động trồng rừng góp phần mở rộng diện tích, bảo tồn và phát triển bền vững các sinh cảnh rừng tràm. Trong tương lai không xa, những cây tràm được trồng hôm nay sẽ trưởng thành thu hút muôn chim thú đến làm tổ tạo nên sự đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Cây tràm nội (tràm cừ) là loài cây có sức sống mãnh liệt, phù hợp thổ nhưỡng đất ngập phèn và điều kiện thời tiết tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ngoài ra, cây tràm nội có khả năng chống xói mòn và hấp thụ lượng CO2e tốt.

Rừng tràm U Minh Thượng là một trong những vùng đất ngập nước quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Việt Nam, trong hệ sinh thái rừng tràm ngập phèn chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng nguyên sinh, đó là các ưu hợp của rừng hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn với diện tích còn lại hơn 3.000 ha.

Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, đây còn là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, là căn cứ cách mạng qua các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ của khu vực Tây Nam bộ.

Với tầm quan trọng về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử, năm 2006 Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là một trong 3 khu vực trọng yếu của khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm 2012 được công nhận là Vườn di sản ASEAN và năm 2015 được công nhận là Khu Ramsar.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phủ 15.000 cây tràm nội cho rừng U Minh Thượng