Toàn dân phòng chống cháy rừng
Tính đến ngày 14/10, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận 12 vụ cháy rừng ở nhiều địa phương, trong đó các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, và Thắng Lợi của huyện Vân Đồn chịu thiệt hại nặng nề với hơn 13ha rừng bị cháy rụi.
Tại thành phố Hạ Long, đám cháy rừng liên phường Hồng Hà và Hà Trung cũng phải huy động hơn 13.000 lượt người cùng phương tiện để dập lửa.
Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận nhiều đám cháy dai dẳng kéo dài từ trưa đến tận 2 giờ sáng ngày hôm sau mới được dập tắt hoàn toàn. Nhiều đám cháy xảy ra là do cháy thực bì, những cây gãy đổ sau bão nhưng do địa hình dốc, lượng lớn cây gãy đổ đã cản trở công tác chữa cháy.
Từ ngày 1/10, tỉnh Quảng Ninh đã phát động chiến dịch 30 ngày đêm nhằm tận thu lâm sản và vệ sinh rừng. Mục tiêu là giảm thiểu thiệt hại từ bão và hạn chế cháy rừng lan rộng.
Ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phân vùng nguy cơ cháy rừng và đưa ra các phương án phòng cháy, chữa cháy. Tất cả các chủ rừng, từ tổ chức đến hộ gia đình, đều phải tự giác dọn dẹp rừng, làm đường băng cản lửa và đăng ký khi tiến hành đốt thực bì.
Chủ động đốt rừng ngăn cháy lan tại Quảng Ninh
Vào lúc 17h ngày 13/10, tại khu rừng bạch đàn bị gãy đổ do ảnh hưởng của bão Yagi trên xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra cháy. Đám cháy lan rộng theo hướng Đông Bắc.
Đến khoảng 20h ngày 13/10, chính quyền và nhân dân xã đảo Ngọc Vừng đã quyết định đốt một phần rừng tại thôn Bình Minh để tạo đường băng cản lửa, dập tắt thành công đám cháy.
Lãnh đạo UBND xã Ngọc Vừng cho biết, sau khi phân tích hướng gió và địa hình, lực lượng chức năng đã quyết định huy động máy móc, phương tiện phát đường băng cản lửa. Khoảng 20h, địa phương đốt lửa ở khoảnh rừng phía Tây Nam, (hướng đám cháy đang đến). Đến khoảng 0h ngày 14/10, hai đám cháy gặp nhau, tắt hoàn toàn khoảng 1h.
Diện tích rừng bị cháy ước tính khoảng hơn 1ha. Hiện, nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Đây là vụ cháy rừng thứ hai tại xã Ngọc Vừng trong tháng 10. Trước đó, từ ngày 9/10 đến 11/10, một vụ cháy rừng khác đã thiêu rụi 10 ha rừng, khiến chính quyền phải huy động 300 người tham gia dập lửa.
Hiện nay, trên toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 117.000 ha rừng bị thiệt hại với mức độ từ 30-100%. Phần lớn diện tích này là rừng trồng, với các loại cây như keo, thông, và bạch đàn bị gãy đổ hoặc tuốt rụng lá, để lại một lượng lớn vật liệu khô, dễ cháy.
Trong điều kiện thời tiết khô nóng, lớp vật liệu này tiềm ẩn nguy cơ cháy lớn khi gặp lửa hoặc tác động từ hoạt động sinh hoạt của con người.
Một trong những vấn đề lớn mà Quảng Ninh đang phải đối mặt là việc dọn dẹp rừng sau bão. Do diện tích rừng bị thiệt hại quá lớn, cộng với thiếu hụt nhân công và chi phí dọn dẹp cao, nhiều chủ rừng đã không thể chủ động thực hiện vệ sinh rừng theo quy định.
Đối với rừng trồng 2-3 năm tuổi bị gãy đổ do chi phí nhân công cao và giá trị lâm sản thu hồi thấp tiến độ dọn vệ sinh thực bì diễn ra rất chậm. Điều này tạo ra nguy cơ cao về cháy rừng, đặc biệt là trong mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Với khối lượng lớn vật liệu dễ cháy tại những cánh rừng sau bão, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng rất cần sự chủ động của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để bảo vệ môi trường và đời sống Nhân dân.
Cháy rừng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bao gồm:
1. Ảnh hưởng hệ sinh thái: Cháy rừng phá hủy nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học.
2. Ô nhiễm không khí: Khói từ cháy rừng chứa nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật.
3. Đất đai: Cháy rừng làm giảm chất lượng đất, gây xói mòn và giảm khả năng giữ nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất.
4. Khí hậu: Cháy rừng phát thải một lượng lớn carbon dioxide, góp phần vào biến đổi khí hậu toàn cầu.
5. Nước: Sự thiệt hại đối với thực vật có thể dẫn đến giảm khả năng giữ nước trong đất, làm gia tăng lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô.
6. Tác động đến con người: Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cháy rừng còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, như di dời, mất mùa màng, và các vấn đề sức khỏe.