“Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo” mang lại giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường

Hải An|30/09/2022 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quá trình sản xuất nông nghiệp tạo ra một lượng phụ phẩm lớn. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

nong-nghiep.png
Đa số phụ phẩm ngành nông nghiệp vẫn bỏ phí

Nguồn thu hàng tỷ USD từ ngành kinh tế mới

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phụ phẩm lớn. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Tuy nhiên, thực tế tỷ phụ phẩm cây trồng (vỏ lạc, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, vỏ đậu tương, củi...) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%; trong đó, lượng rơm rạ sau thu hoạch lúa rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm, tỷ lệ sử dụng rơm lúa chỉ 56,3% (cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây...). Một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với nhóm phụ phẩm chăn nuôi, ước tính đàn gia súc, gia cầm cả nước thải ra khoảng trên 60,4 triệu tấn phân. Ngoài ra, hằng năm có nhiều triệu tấn chất độn chuồng thải ra từ ngành chăn nuôi, tuy nhiên chưa có số liệu điều tra đánh giá về nguồn phụ phẩm này.

Hiện tại, chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách, bao gồm ủ phân compost, xử lý bằng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (vi sinh vật), xử lý bằng công trình khí sinh học và sử dụng trực tiếp phân tươi làm phân bón. Công nghệ xử lý chất thải có sự khác biệt tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ sở chăn nuôi, ví dụ như loài động vật, hệ thống chuồng trại, vị trí và quy mô cơ sở chăn nuôi. Tỷ lệ tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ mới đạt 23%, còn lại đang bị bỏ phí chưa tái sử dụng để ứng dụng trong chuỗi trồng trọt - chăn nuôi theo chuỗi liên hoàn, khép kín.

Phụ phẩm từ chế biến thủy sản theo số liệu thống kê hiện có khoảng 1 triệu tấn (chiếm 15-20% so với tổng sản lượng thủy sản chế biến). Đáng chú ý, có khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen, hay một số thực phẩm ăn liền...

Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về tới từ 4-5 tỷ USD.

Nguồn tài nguyên kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp

Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề "Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo", bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất chứ chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học.

Nhiều cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ gây lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường.

Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nông nghiệp Việt Nam cần phải dựa vào tri thức nhiều hơn, phát triển nông nghiệp tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng của các quốc gia.

Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại, là tiền đề thúc đẩy Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% và phấn đấu đạt khoảng 55 tỷ USD trong năm 2022.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng gây phát sinh lớn phụ phẩm, khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Theo thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp năm 2020 của cả nước hơn 156,8 triệu tấn.

Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Bài liên quan
  • Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ
    Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng 2022 của Việt Nam lên 7,2%, từ mức 5,3% hồi tháng 4, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ cùng với hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo” mang lại giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường