Theo ông Nguyễn Tấn An, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh Bình Định, đơn vị đang quản lý, khai thác 7 nhà máy cấp nước sạch sinh hoạt với tổng công suất thiết kế 20.320 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho gần 50.000 khách hàng. Trong đó, hơn 37.500 khách hàng ở vùng nông thôn và hơn 12.100 khách hàng vùng đô thị thuộc địa bàn 26 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các công trình đang vận hành ổn định, chất lượng nước cấp cho khách hàng đạt tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhằm duy trì đảm bảo chất lượng nước sạch, cán bộ kỹ thuật các nhà máy cấp nước thường xuyên sử dụng các thiết bị gồm: Máy đo pH, máy đo clo dư… kiểm soát chất lượng nước theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Định kỳ mỗi tháng, bộ phận kiểm nghiệm của Trung tâm NS&VSMTNT Bình Định lấy mẫu, phân tích và báo cáo kết quả nội kiểm chất lượng nước sạch đầy đủ theo quy định.
“Đơn vị cũng đã mua sắm và lắp đặt hệ thống ống dẫn nước sạch bằng chất liệu nhựa HDPE đối với các dự án đầu tư, mở rộng mới, tiến tới thay thế hoàn toàn đường ống dẫn nước bằng nhựa uPVC và ống thép vốn có nhiều nhược điểm”, ông Nguyễn Tấn An cho hay.
Thời gian qua, Trung tâm NS&VSMTNT Bình Định không ngừng tranh thủ nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện và quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình.
Theo ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm, trong năm 2023, đơn vị này đã đầu tư nâng cấp 4 công trình, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt huyện Phù Cát với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng; dự án nâng cấp nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) có kinh phí thực hiện 8,5 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) với kinh phí đầu tư đầu tư 75 tỷ đồng; dự án cấp nước sinh hoạt xã Cát Tài (huyện Phù Cát) với vốn đầu tư 41 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Trung tâm NS&VSMTNT Bình Định tiếp tục đầu tư, nâng cấp 3 công trình khác, gồm: Hệ thống cấp nước sinh hoạt các xã phía Bắc huyện Tây Sơn, cấp nước ven biển huyện Phù Mỹ và nhà máy cấp nước sinh hoạt huyện Vân Canh, với tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng.
Ngoài “phủ sóng” hệ thống cấp nước sạch ở các vùng nông thôn, tính đến hết tháng 6/2024, dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt tỷ lệ 87%. Trong đó, có nhiều địa phương đạt và vượt so với kế hoạch về chỉ tiêu cấp nước sạch tập trung đô thị như: Thị xã An Nhơn (93%), huyện Tây Sơn (94%), huyện Tuy Phước (86%), huyện Phù Cát (88%), thị xã Hoài Nhơn (71%), huyện Hoài Ân (98%).
Bình Định đang tăng cường các giải pháp cung cấp nước sạch, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu nối và sử dụng nước sạch, tăng tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch tại địa phương để góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.