Năm 2024 dự báo thiên tai diễn biến phức tạp và xảy ra nhiều trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ngay từ những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 đợt mưa lớn kèm theo dông lốc và gió giật mạnh gây nhiều thiệt hại về tài sản.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực miền núi phía Bắc, từ tháng 5 đến tháng 10 nhiệt độ, nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn; lượng mưa trên khu vực tỉnh từ tháng 8-9 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Khả năng sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: Bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, nắng nóng…
Ghi nhận thực tế, lũ; lũ quét; sạt lở đất; lốc; sét và chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão cũng là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những năm gần đây.
Trong đó, lốc là hiện tượng khí tượng vô cùng nguy hiểm. Lốc là luồng gió xoáy có sức gió mạnh tương đương sức gió của bão nhưng được hình thành và tan trong thời gian ngắn với phạm vi hoạt động trong không gian hẹp từ vài km2 đến vài chục km2. Trên đường di chuyển nó có thể cuốn theo hoặc phá hủy nhiều thứ.
Ngày 20/4, trên địa bàn tỉnh xảy ra thiên tai do mưa lớn, dông lốc, gây nhiều thiệt hại trên diện rộng ở các huyện: Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy và TP Việt Trì. Thiên tai đã làm hơn 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng; nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp, cột điện bị gãy đổ... Để phòng chống lốc, UBND tỉnh khuyến cáo cần xây dựng các công trình nhà ở kiên cố để tăng độ vững chắc; chặt tỉa cành, nhánh cây cao dễ gãy nằm gần nhà ở, lưới điện; khi xảy ra lốc cần phải tìm nơi trú ẩn an toàn.
Bên cạnh lốc, bão cũng là hiện tượng thời tiết phức hợp diễn ra trên diện rộng. Dự báo trong tháng 7 khả năng có 2-3 cơn bão trên biển Đông, trong đó có một cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta và ảnh hưởng đến Phú Thọ. Theo đó, để phòng tránh bão và áp thấp nhiệt đới trước khi mưa bão cần chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc. Khi có mưa bão cần tránh trú trong nhà kiên cố, không đi ra ngoài khi mưa to.
Một hiện tượng đáng lưu ý khác trong những năm gần đây chính là lũ quét. Đây là loại lũ lớn xảy ra bất ngờ trên các sông suối miền núi, duy trì trong một thời gian ngắn, dòng chảy xiết và có sức tàn phá lớn thường xảy ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa... Để phòng tránh lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo quét cần phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa, mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống trên tuyến giao thông; lập bản đồ nơi xảy ra lũ quét; dự báo cảnh báo lũ quét; điều chỉnh điểm định cư, sơ tán dân khỏi vùng lũ quét; tuyên truyền, tập huấn các phương án phòng chống lũ.
Ngoài ra, sạt lở đất cũng là hiện tượng thường xảy ra trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại về người và tài sản. Để phòng chống sạt lở đất cần làm giếng tiêu nước ngầm làm hạ mực nước ngầm, hoặc đào bỏ các khối đất dốc; xây tường chắn hay đắp đá...; di chuyển các hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở.
Cuối cùng là hiện tượng sét. Sét là một hoặc nhiều chùm tia lửa dài có điện áp cực kỳ lớn từ các đám mây mùa hè phóng xuống đất có thể gây thương vong cho con người. UBND tỉnh đưa ra khuyến cáo, khi sắp xảy ra mưa dông, chỗ để tránh sét tốt nhất là tòa nhà hay công sở. Khi ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào; tránh chỗ ẩm ướt; không dùng điện thoại; rút phích cắm các thiết bị điện. Khi ở ngoài trời không dùng cây cối làm chỗ trú mưa; tránh vật kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt...