Thói quen xả rác bừa bãi xuống kênh, mương, sông, suối không chỉ có ở thành phố, thị xã mà còn xuất hiện ở khu vực nông thôn, miền núi.
Mặc dù đã được các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuy nhiên, tình trạng xả rác tùy tiện, bừa bãi diễn ra mọi lúc, mọi nơi và ở mọi đối tượng. Có thể nói, để xảy ra tình trạng trên là do mỗi cá nhân chưa nâng cao được ý thức, trách nhiệm của bản thân. Phần lớn người dân khi được hỏi về hành vi xả rác bừa bãi đều có những câu trả lời như: “Do tiện tay”, “do thói quen”;... Thậm chí, nhiều nơi như: Ao hồ, kênh, mương thủy lợi, khu công cộng, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã cắm biển “cấm đổ rác” nhưng chỉ một thời gian ngắn rác lại xuất hiện và trở thành những dòng nước rác gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến giao thông thủy lợi và cuộc sống của người dân xung quanh.
Để khắc phục tình trạng xả rác thải bừa bãi tại những nơi công cộng, đặc biệt là tại các con kênh, mương, sông, suối,… thời gian qua các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh Phú Yên đã thường xuyên phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, khu phố tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, hưởng ứng các ngày lễ về môi trường, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động: Treo băng rôn, phát tờ rơi tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hội nhóm, Câu lạc bộ, tổ chức, cá nhân trong tỉnh để xây dựng các mô hình về công tác vệ sinh môi trường như: Bảo vệ môi trường biển, sông ngòi, kênh, nơi công cộng,… phân loại, thu gom rác thải tại nguồn; đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường nơi công sở, bờ biển, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, kênh, sông, suối, trồng thêm cây xanh,...
Để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường do nạn vứt rác bừa bãi trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội, tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.