Phú Yên: Nhân rộng mô hình Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học

Lê Hoài|22/04/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày, Sở TN-MT và Tỉnh đoàn Phú Yên triển khai mô hình Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học, thí điểm tại thôn Ân Niên (xã Hòa An, huyện Phú Hòa).

Mô hình này giúp bà con tận dụng được nguồn phân hữu cơ ngay tại gia đình để bón cho cây trồng, đồng thời giúp giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.

W_phan-huu-co-sinh-hoc-2-.jpg
Mô hình Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học, thí điểm tại thôn Ân Niên (xã Hòa An, huyện Phú Hòa)

Theo Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, rác thải sinh hoạt là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên rác sẽ là tài nguyên nếu được phân loại hiệu quả. Công tác phân loại rác, nhất là phân loại tại nguồn là vô cùng quan trọng. Nếu quá trình phân loại tại nguồn tốt mà việc vận chuyển chỉ dùng chung một xe, đưa đi chôn lấp ở cùng một bãi rác thì công tác phân loại tại nguồn là vô ích. Để giảm thiểu rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc phân loại và ủ rác tại nguồn thành phân bón hữu cơ là giải pháp vô cùng quan trọng.

Mô hình Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học ở thôn Ân Niên là một trong những mô hình thí điểm dùng thùng ủ rác thải thành phân hữu cơ quy mô hộ gia đình, nhằm hướng đến mỗi hộ dân cần có trách nhiệm với rác thải sinh hoạt của gia đình mình.

Bước đầu thực hiện mô hình, nhiều cán bộ địa phương và các chuyên gia môi trường đã trực tiếp đến các hộ dân ở địa phương, trực tiếp lắp đặt thùng ủ, tặng men vi sinh và hướng dẫn bà con cách thức để phân loại rác, ủ rác, cũng như tuyên truyền, nêu rõ những lợi ích của việc ủ và sử dụng chế phẩm vi sinh từ rác thải hữu cơ.

Theo TS Võ Anh Khuê - Trưởng khoa Công nghệ hóa - Tài nguyên và môi trường, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung: Quá trình ủ rác thành phân hữu cơ diễn ra vô cùng đơn giản, tùy theo số lượng rác sinh hoạt của gia đình, rác thải hữu cơ được phân loại như lá cây, thức ăn thừa, rau củ, trái cây hư,… tất cả được cho vào thùng phuy nhựa có nắp đậy nhằm tránh ruồi muỗi hay các con vật vào đẻ trứng. Sau đó, kết hợp với chế phẩm ủ rác pha sẵn theo tỉ lệ 2 muỗng vi sinh, 10 muỗng đường, 1 lít nước sạch.

W_phan-huu-co-sinh-hoc-1-.jpg
Phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn góp phần xây dựng mô hình Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học

Thôn Ân Niên, xã Hòa An hiện có nhiều hộ gia đình tham gia mô hình này. Người dân đã và đang tham gia mô hình này cho biết: Trước đây, lượng rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình là tương đối nhiều, trong đó có nhiều loại rác hữu cơ như rau, củ, quả, lá cây, các loại dư thừa của phụ phẩm phục vụ sinh hoạt; rác thải vô cơ như túi nilon, vỏ chai nhựa,… đều để chung và chưa có nhiều biện pháp xử lý. Cùng với đó, do không được thu gom hàng ngày nên gây ra tình trạng bốc mùi, làm ảnh hưởng môi trường. Thời gian gần đây khi tham gia mô hình Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học, mỗi gia đình được hỗ trợ một thùng phuy nhựa để phân loại và chứa rác thải, lại còn được các chuyên gia về môi trường hướng dẫn chi tiết về cách phân loại và ủ rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ tự nhiên bón cho cây trồng.

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên được Sở TN-MT và Tỉnh đoàn Phú Yên lắp đặt thùng ủ rác thành phân hữu cơ sinh học, gia đình bà Phạm Thị Duy ở thôn Ân Niên vốn thuần nông nên tự trồng rau cung cấp bữa ăn hàng ngày. Khi được hướng dẫn, lắp đặt thùng ủ phân hữu cơ này, bà rất hào hứng và chia sẻ: “Mô hình triển khai vô cùng thiết thực, hữu ích, vừa có thể hạn chế lượng rác thải sinh hoạt của gia đình, thân thiện với môi trường, vừa giúp gia đình tôi tự làm phân bón cây, lại hạn chế tối đa chi phí mua phân bón. Sau thời gian thực hiện mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực trong đời sống cộng đồng.

Hiện, mô hình Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học ở thôn Ân Niên đang ở mức thí điểm, nhưng ý tưởng biến rác thải thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng được đề ra và triển khai đã mang lại hiệu quả như mong đợi, giúp hạn chế tối đa lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường, nâng cao ý thức cho các hộ gia đình trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh.

Do đó, mô hình xử lý rác thải ở nông thôn, phân loại rác thải ở thôn Ân Niên không chỉ giải quyết được ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc phân loại rác thải tại nguồn, mà còn góp phần làm cho môi trường nông thôn ngày càng xanh – sạch – đẹp, là một trong những mô hình cần được nhân rộng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phú Yên: Nhân rộng mô hình Biến rác thải thành phân hữu cơ sinh học
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.