Phục hồi hệ sinh thái bị tàn phá ở Châu Phi đạt nhiều kết quả khả quan

Huyền Nhung (T/h)|10/05/2019 02:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ một khu vực hoang tàn do chiến tranh, nền tảng sinh thái khu vực gần như đã trở lại thời kỳ thịnh vượng ban đầu, chấm dứt nạn săn trộm.

Công viên Quốc gia Gorongosa (Mozambique) từng là một thiên đường hoang dã với đồng cỏ xanh tốt, hà mã dầm mình trong hồ nước và những đàn linh dương hàng ngàn con di chuyển trên thảo nguyên. Nhưng rồi năm 1977, nội chiến nổ ra ở quốc gia Đông Nam châu Phi khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Du khách không còn đến đây và khu bảo tồn này chính thức bị đóng cửa năm 1983.

Động vật liên tục bị các bên tham chiến giết thịt làm thức ăn, riêng voi còn bị săn lấy ngà nhằm trang trải chi phí chiến tranh. Quần thể trâu châu Phi, linh dương đầu bò xanh và ngựa vằn giảm mạnh từ hàng ngàn xuống dưới 15 cá thể mỗi loài. Hàng trăm con sư tử, báo và chó hoang đã rời đi, hoặc chết đói vì không còn thức ăn, hay chết do sập bẫy thợ săn. Cuối năm 1992, khi chiến tranh kết thúc, nơi đây chỉ còn lại sư tử với số cá thể đếm được trên đầu ngón tay.

Tình trạng hoang tàn của công viên đã truyền cảm hứng cho nỗ lực chưa từng có của giới quan chức Mozambique và một nhóm các nhà khoa học quốc tế để phục hồi, không chỉ các loài động vật hoang dã mà là toàn bộ hệ sinh thái – một thách thức rất lớn. Ví dụ nổi tiếng nhất về một nỗ lực như vậy là việc đưa loài sói xám vào Công viên quốc gia Yellowstone khoảng 25 năm trước, với kết quả thu được là thất thường.

Việc phục hồi này có nghĩa là phải đưa ít nhất 10 loài động vật quay trở lại công viên, theo dõi quá trình hòa nhập của chúng để đảm bảo hệ sinh thái không bị đảo lộn, cũng như ngăn ngừa và chấm dứt nạn săn trộm.

Các loài động vật có vú lớn, chẳng hạn như voi đã quay lại công viên Quốc gia Gorongosa sau hàng thập kỷ vắng bóng do chiến tranh. Ảnh: Ariadne Van Zandbergen/Alamy

Hồi sinh động vật ăn cỏ

Dự án Phục hồi Gorongosa phi lợi nhuận hình thành năm 2004, chỉ hơn một thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, với 40 triệu đôla khởi đầu và một thỏa thuận kéo dài 20 năm với chính phủ Mozambique để xây dựng lại và bảo tồn công viên. Động lực triển khai Dự án không chỉ là khoa học và còn là kinh tế du lịch. Chi tiêu du khách chiếm tới 4.2% kinh tế của Mozambique năm 1998 và khoảng 10% hiện nay.

Các nhân viên kiểm lâm đã được đào tạo để chống lại nạn săn trộm trên một diện tích khoảng 4.000 km vuông của công viên. Chỉ trong một năm (2015-2016), họ đã loại bỏ 12.363 bẫy lưới và 317 bẫy hàm thép của thợ săn và các nhóm săn trộm khác, theo một nghiên cứu trên tạp chí Biological Conservation tháng 11 năm 2018 . Từ năm 2007 đến 2014, sáu loài động vật ăn cỏ đã được đưa trở lại, gồm 210 trâu châu Phi và 180 linh dương đầu bò xanh, trích báo cáo ngày 13 tháng 3 trên tạp chí khoa học Plos One.

Sinh khối động vật ăn cỏ – thành phần quan trọng trong chuỗi thức ăn – đã phục hồi ở mức 95% trước chiến tranh. Nhưng các loài lớn nhất – voi, hà mã và trâu – từng chiếm 89% sinh khối động vật ăn cỏ, giờ chỉ còn 23% theo thống kê năm 2018. Trong khi đó, linh dương sừng xoắn Waterbuck (Kobus ellipsiprymnus) với khả năng sinh sản gấp 2 lần trâu và 10 lần voi, đã vượt con số 55.000 cá thể, tức là gấp 10 lần năm 1977. Việc thiếu động vật ăn thịt đã khiến dân số loài này tăng vọt, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái.

Bảo tồn động vật săn mồi

Đầu tiên, phải nhắc đến các “thú săn mồi” giả. Các nhà sinh thái học đã thử

nghiệm phương pháp giữ linh dương đầu bò Gorongosa (Tragelaphus sylvaticus) lại trong rừng bằng các máy phát tiếng sư tử hay báo đốm, cũng như rải hóa chất mô phỏng mùi nước tiểu của chúng. Thực tế cho thấy linh dương đầu bò luôn giữ khoảng cách trung bình 150 m với máy phát, theo nghiên cứu công bố ngày 12 tháng 4 trên trang Science.

Thứ hai là giữ gìn những động vật săn mồi đang có. Ví dụ với loài sư tử, việc loại bỏ rất nhiều bẫy đã giúp số cá thể sư tử tăng nhanh, từ 30 đến 50 con trong năm 2012, lên 150 con theo thống kê năm 2018. Nếu kết hợp với 100 cá thể sư tử bên ngoài công viên có thể di chuyển vào đây, thì vẫn chỉ đạt một nửa con số cần thiết để duy trì một quần thể khả thi.

Biện pháp thứ ba là can thiệp trực tiếp. Vào mùa xuân năm 2018, cơ quan bảo tồn của công viên Quốc gia Gorongosa đã thả vào đây 14 con chó hoang châu Phi đang có nguy cơ tuyệt chủng (Lycaon figus) chuyển đến từ Nam Phi. Một đợt thứ hai (24 con) tiếp tục được thả vào tháng Bảy, theo Bou Bouley, thành viên chương trình động vật săn mồi của Gorongosa. “Mỗi con chó săn ít nhất hai con mồi một ngày, và đôi khi lên đến sáu”, cô nói. Sẽ cần nhiều cá thể chó hoang hơn để thiết lập một quần thể ở mức tránh được tình trạng giao phối cận huyết, cũng như bù trừ tiêu hao do bệnh tật và thiên tai một cách hiệu quả.

Các công viên Quốc gia vẫn đang được mở rộng

Triển vọng tươi sáng

Công viên Quốc gia Gorongosa vẫn đang được mở rộng, với 2.800 km vuông thêm vào năm 2017 từ một khu bảo tồn tư nhân cạnh đó. Nơi này có một đàn chó hoang quy mô nhỏ, được kỳ vọng là sẽ gia nhập đội ngũ săn mồi nhờ nguồn thức ăn phong phú.

Theo các nhà khoa học, lý tưởng nhất là tất cả quần thể trong Gorongosa đạt được trạng thái tự vận hành. Đương nhiên nhiều khó khăn sẽ đến, từ quá trình biến đổi khí hậu đến va chạm với các nhóm cư dân xung quanh. Nhưng nhóm nghiên cứu có thể tập trung vào việc thiết lập lại nguyên tắc cơ bản nhất: sự cân bằng giữa các loài động vật ăn cỏ và thú săn mồi. Việc này có thể mất nhiều thập kỷ để hoàn thành. Với hoàn cảnh gần tương tự, công viên quốc gia hồ Nakuru của Kenya mất 42 năm mới đạt được trạng thái cân bằng.

Huyền Nhung (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phục hồi hệ sinh thái bị tàn phá ở Châu Phi đạt nhiều kết quả khả quan
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.