Pù Luông – Thiên đường du lịch giữa đại ngàn

Nguyễn Trường|20/02/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vài năm trở lại đây, Pù Luông (Thanh Hóa) nổi lên như một gương mặt mới đầy triển vọng trên bản đồ du lịch sinh thái - cộng đồng Việt Nam, thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài.

pu-luong-1.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông rộng khoảng hơn 17.000ha, có hệ động, thực vật phong phú và rừng nguyên sinh vùng lõi được bảo tồn nghiêm ngặt.
pu-luong-2.jpg
Pù Luông được bao bọc bởi vô số dãy núi cao, mật độ bao phủ rừng tự nhiên khá dày và khí hậu ôn hòa. Đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái và sinh thái cộng đồng.
pu-luong-3.jpg
Đặc biệt, Pù Luông có những thửa ruộng bậc thang trải dài khắp thung lũng, vẽ nên bức tranh cuộc sống yên bình nơi các bản làng người Thái, người Mường. Điều đó không chỉ gây ấn tượng đẹp cho du khách, mà còn là yếu tố căn bản tạo nên tính ổn định và là lợi thế trong kinh doanh du lịch khi không phụ thuộc vào tính mùa vụ.
pu-luong-5.jpg
Thác Hiêu – điểm nhấn của Pù Luông, thuộc địa phận xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Ngọn thác nằm ẩn mình giữa một không gian bạt ngàn cây lá, có hệ thống núi đá cao và những khu rừng già nguyên sinh, khí hậu quanh năm mát mẻ. Thác Hiêu mơ màng và uyển chuyển chứ không vách cao, đá dựng như nhiều con thác phía Bắc. Dòng nước từ thác Hiêu chảy ra có nhiều chất đá vôi, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh, chảy hiền hòa, mát rượi về mùa hè và trở nên ấm áp khi vào mùa đông.
pu-luong-7.jpg
Nhiều du khách nước ngoài tìm đến khu vực thác Hiêu theo hình thức du lịch cộng đồng, khám phá, gần gũi với thiên nhiên.
pu-luong-8.jpg
Ngoài những thế mạnh về thiên nhiên, du khách đến với Pù Luông còn được tìm hiểu, trải nghiệm bản sắc văn hóa lâu đời và đậm đà của đồng bào Thái, Mường vùng thượng nguồn sông Mã; từ phiên chợ Phố Ðòn rực rỡ muôn màu thổ cẩm cho đến những điệu múa xòe, hát lượn, nhảy sạp duyên dáng, hay những món ăn truyền thống tươi ngon hấp dẫn.
pu-luong-9.jpg
pu-luong-10.jpg
Tận dụng lợi thế về tự nhiên, văn hóa, hầu hết các các bản làng tại Pù Luông đều phát triển mạnh hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng, phổ biến nhất là homestay (chỗ nghỉ nhà dân), phần lớn nằm tại các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niệm... (Bá Thước). Loại hình du lịch này gắn liền với các hoạt động tham quan ruộng bậc thang, trải nghiệm thu hoạch lúa chín; trồng rau, hái quýt và trải nghiệm sinh thái nông nghiệp; thưởng thức ẩm thực truyền thống địa phương tại nhà người dân (du lịch homestay); khám phá, trải nghiệm “Sa Pa trong lòng xứ Thanh” tại các điểm cao Son - Bá - Mười.
pu-luong-11.jpg
Được biết, hoạt động du lịch của huyện Bá Thước trong năm 2022 đã tăng trưởng mạnh trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Theo đó, các điểm du lịch của huyện đã đón 82.646 lượt khách vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay (trong đó: khách quốc tế 5.447 lượt, khách trong nước 77.199 lượt khách) đến thăm quan và nghỉ lại. Đến nay, toàn huyện có 94 cơ sở lưu trú; trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Pù Luông là 74 cơ sở, công suất đón khoảng trên 1.300 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước khoảng 120 tỷ đồng.
pu-luong-12.jpg
Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách cũng như góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, huyện Bá Thước đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc lập quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm; chú trọng bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đầu tư phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 120 nghìn lượt khách du lịch/năm, khu du lịch sinh thái Pù Luông trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.
Bài liên quan
  • Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam
    Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Pù Luông – Thiên đường du lịch giữa đại ngàn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.