Qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc được xem xét và giải quyết

Lam Trinh |16/08/2023 13:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phát biểu kết luận phiên chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp và nêu rõ: qua hoạt động chất vấn nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội được kịp thời xem xét, giải quyết, trách nhiệm của các Bộ trưởng được nâng cao.

16-qh-vdh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25

Hôm qua, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên chất vấn.

Buổi sáng, phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình phiên họp thường kỳ thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực tư pháp, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thời gian tới sẽ tập trung sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên, quy định chặt chẽ hơn trong quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá, đẩy mạnh đấu giá trực tuyến.

16-qh-long.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải quyết tình trạng chậm và nợ văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, hiện nhân lực làm pháp chế còn rất mỏng, một số bộ ngành chưa ưu tiên cho công tác pháp chế. Do đó, thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ để tìm ra các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng lực lượng cán bộ pháp chế còn mỏng, bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ NN&PTNT. Ngoài phát sóng trực tiếp trên Đài TNVN, Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành trong cả nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình về những chính sách sẽ được áp dụng trong hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ luôn bám sát theo xu thế phân cấp, phân quyền, tăng cường năng lực cho đội ngũ lãnh đạo địa phương. Một quy trình xin vùng biển để thực hiện nuôi trồng phải làm việc với nhiều bộ”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời và cam kết sẽ rà soát lại toàn bộ vấn đề này để thực hiện cải cách các thủ tục hành chính như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, đảm bảo đơn giản hóa đồng thời vẫn đáp ứng được các yêu cầu về an ninh quốc phòng, môi trường, cảnh quan, mật độ nuôi trồng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu rõ, nuôi biển là một cách giảm khai thác, nên đối tượng ưu tiên đầu tiên chính là các ngư dân mà chúng ta mong muốn giảm lượng tàu khai thác, sau đó đến các doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp thì phải có hệ sinh thái của những người dân, để đảm bảo người ngư dân tự nguyện không tham gia khai thác, như vậy việc nuôi biển mới có thể thành công, hướng tới hai mục tiêu phát triển kinh tế và giảm lượng khai thác.

Về vấn đề chuyển đổi nghề, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có quyết định 288 và kế hoạch hoạt động về chuyển đổi nghề, tuy nhiên vẫn có khuyết điểm là hơi chậm, chính sách chưa rõ ràng, chưa tạo thành cú hích để hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Bộ sẽ tiếp tục xem xét, đối thoại với những người dân trong diện chuyển đổi, trong diện không cho khai thác do cường độ cao, để có các phương án cụ thể, khả thi cho vấn đề này. Có thể lựa chọn phương án bà con lên bờ, nhưng vẫn duy trì nuôi biển, nuôi trồng cạn, hoặc nuôi ở ven bờ với cường độ đảm bảo được về môi trường. Ngoài ra, có thể chuyển hẳn sang nghề khác, tạo điều kiện cho bà con làm du lịch biển, hoặc làm việc trong các khu công nghiệp. Mỗi đối tượng đều phải có chính sách cụ thể kèm theo, không nên đưa ra chính sách chung chung.

16-hoan.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 chiều ngày 15/8

Về giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”. Theo Bộ trưởng, nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.

Về các điều kiện khó thực thi gỡ thẻ vàng, Bộ trưởng khẳng định khó vẫn phải làm, nhưng Bộ sẽ nghiên cứu lại những quy định bất cập để sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực thi nghiêm quy định, trong đó có quy định tại Luật Thủy sản, có như vậy mới có hiệu quả trong thực tế.

Về quy hoạch khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác - nuôi trồng - bảo tồn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng quy hoạch được 11/17 khu bảo tồn biển. Tuy nhiên về nguồn lực đầu tư cũng chưa thỏa đáng. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, số khu bảo tồn biển phải chiếm 6% diện tích mặt biển nhưng đến này mới chỉ đạt 0,17%.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế, giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ hiện nay cấu trúc ngành thủy sản nước ta còn manh mún, do đó, các cơ quan phải cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm, cùng với ngư dân, những người tham gia hậu cần ngành thủy sản và các hiệp hội ngành hàng mới có thể quản lý được tốt

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới thực hiện tốt hơn Đề án quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như Đề án phát triển khu bảo tồn.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp và nêu rõ: qua hoạt động chất vấn nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội được kịp thời xem xét, giải quyết, trách nhiệm của các Bộ trưởng được nâng cao.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng thời gian tới, lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới; nông nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc được xem xét và giải quyết