Quảng Bình chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản số 1697/UBND-KT chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian giao mùa trên địa bàn.
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương của tình Quảng Bình thường xuất hiện diễn biến xấu, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng này xảy ra tại một số khu vực tập trung các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và khai thác, chế biến làm vật liệu xây dựng.
Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động nêu trên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi. Bên cạnh đó, tình trạng đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài các cánh đồng vẫn diễn ra. Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn sẽ làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các nội dung sau:
Các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình xây dựng,…); tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện chạy bằng điện, nhiên liệu tái tạo, ít phát thải.
Chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan y tế địa phương và các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khuyến cáo người dân áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ sức khoẻ trước tình hình ô nhiễm không khí tại những thời điểm chất lượng không khí bị ô nhiễm, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h và 14h-19h.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ hàng năm; chỉ đạo các đơn vị vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liều truyền, kết nối theo quy định về sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường liên tục, không bị gián đoạn; công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, chia sẻ kết quả quan trắc với các cơ quan chuyên môn, thông tấn, báo chí theo dõi, tiếp cận và đưa tin; Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch để thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cần có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích phù hợp.