Quảng Bình: Di dời khẩn cấp 140 người ra khỏi khu vực sạt lở

Hoàng Thơ |06/11/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mưa lớn kéo dài, khu vực đồi Cây Sường (Minh Hóa, Quảng Bình) xuất hiện nhiều vết nứt và sụt, lún, lực lượng chức năng đã khẩn cấp di dời người dân đến nơi an toàn.

UBND thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức di dời 38 hộ dân với hơn 140 nhân khẩu ở khu vực đồi Cây Sường, thuộc Tổ dân phố 8 nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản trước nguy cơ sạt lở đất trong ngày 5/11.

screenshot-2024-11-06-090311.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương vận động và hỗ trợ di dời hộ dân đến nơi an toàn (Ảnh: TTXVN)

Hiện đa số các hộ dân ở khu vực này đã được di dời đến trụ sở UBND xã Quy Hóa (cũ); một số hộ chủ động ở nhờ nhà người thân.

Chính quyền địa phương đã sắp xếp chỗ ăn ở, bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Đồng thời, chủ động phân công lực lượng ứng trực, đề phòng, ứng phó trong trường hợp sự cố sạt lở xảy ra.

Bên cạnh đó, lực lượng ứng phó luôn trong trạng thái sẵn sàng để kịp thời hỗ trợ người dân trong trường hợp có sự cố.

nld.jpg
Một gia đình được di dời về nơi an toàn (Ảnh: NLĐ)

Khu vực đồi Cây Sường có địa hình rất dốc, địa chất phức tạp, chiều cao tính từ mặt đất tự nhiên của các nhà dân lên đỉnh đồi khoảng 65 - 70 m. Những năm gần đây, khu vực này bắt đầu xuất hiện các vết nứt và sụt, lún.

Ngày 24/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất ở khu vực đồi Cây Sường.

Sạt lở đất có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là một số tác động chính:

Thiệt hại về đất đai: Sạt lở đất làm mất đi lớp đất màu mỡ, gây khó khăn cho việc trồng trọt và phục hồi hệ sinh thái.

Mất đa dạng sinh học: Lũ quét và sạt lở có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến giảm đa dạng sinh học.

Ô nhiễm nguồn nước: Sạt lở có thể mang theo chất thải, hóa chất và rác thải, gây ô nhiễm các nguồn nước như sông, suối.

Tăng nguy cơ thiên tai: Những khu vực đã trải qua lũ quét và sạt lở đất có thể dễ bị tổn thương hơn trong các trận lũ lụt hoặc sạt lở tiếp theo.

Hủy hoại cơ sở hạ tầng: Các công trình như cầu, đường giao thông và nhà cửa có thể bị phá hủy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế.

Thay đổi địa hình: Sạt lở có thể làm thay đổi cấu trúc địa hình, ảnh hưởng đến dòng chảy của nước và làm tăng khả năng xảy ra lũ quét trong tương lai.

Bài liên quan
  • Cần 158 tỉ đồng ổn định cư dân vùng sạt lở ở Tiền Giang
    Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại khu vực xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo và cù lao Tân Phong thuộc xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT triển khai cấp bách 2 dự án ổn định cư dân vùng sạt lở với tổng mức đầu tư khoảng 158 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Bình: Di dời khẩn cấp 140 người ra khỏi khu vực sạt lở
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.