Quảng Bình : Mưa lũ diễn biến phức tạp, gần 100.000 nhà dân ngập sâu

Minh Tâm|19/10/2020 15:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT và TKCN kiêm PTDS), đến chiều 19/10, mưa lũ đã làm ngập lụt khoảng 100.000 nhà dân và các trụ sở cơ quan nhà nước, trạm y tế, trường học… trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch..

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ đã làm ngập hầu hết các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Các địa phương, lực lượng chức năng và người dân trong tỉnh đã tập trung toàn lực để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn người dân vùng bị ngập lũ.

Lực lượng Công an xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy đang hỗ trợ đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nhiều hộ bị cô lập do nước lũ dâng cao, giao thông tê liệt, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã, các thôn, bản và người dân địa phương đã kịp thời di dời khoảng 10.000 hộ dân vùng ngập lũ sâu và có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Các hộ dân được di dời tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn…

Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ.

Theo báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải và các địa phương, hầu hết các tuyến đường giao thông đường bộ, như: quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến đường giao thông huyết mạch… đều bị ngập sâu trong nước lũ từ 0,5 đến hơn 3m, cá biệt có đoạn trên 5m đã gây ách tắc giao thông. Tuyến Quốc lộ 1A nhiều đoạn qua các huyện thị bị ngập sâu trong nước lũ khiến các phương tiện không thể di chuyển, lực lượng chức năng đã chốt chặn, phân luồng giao thông, ngăn không cho phương tiện qua lại để bảo đảm an toàn. Tuyến đường sắt hiện nay chỉ lưu thông được từ Đồng Hới đi thành phố Hồ Chí Minh. Hiện có 156 hành khách tàu SE8 đang mắc kẹt tại ga Đồng Hới.

Trục đường Lý Thường Kiệt ngập sâu, các phương tiện qua đây di chuyển khó khăn

Mưa lũ cũng đã làm chết 4 người (Lệ Thủy 2 người, Quảng Ninh 2 người). Có 6 người bị thương (Tuyên Hóa 4 người, Minh Hóa 2 người).

Hiện các sở, ngành, đơn vị, địa phương và các lực lượng chức năng đang tập trung cao độ thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tại các địa bàn xung yếu ngập sâu trong nước lũ. Tiếp tục thực hiện các biện pháp, phương án phòng, chống, đối phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động, tích cực triển khai công tác cứu hộ, di dời dân khỏi vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cơ động đến những vùng xung yếu kịp thời cứu giúp người dân.

Thực hiện tốt việc cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác… không để xảy ra việc có người dân bị đói, khát.

Một hộ dân bị nước lũ ngập gần đến nóc nhà.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, trong 24 giờ tới, lượng mưa trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 50mm đến trên 400mm. Trong 6 -12 giờ tới, lũ trên sông Gianh tiếp tục lên, trên sông Kiến Giang lũ bắt đầu xuống chậm, mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 4,70m trên báo động III 2m, sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 9,2 m trên báo động III 2,7m…

Với tình hình mưa lũ lụt kéo dài, mưa liên tục không ngớt, nước lũ có khả năng rút chậm, người dân vùng ngập lũ đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để hỗ trợ người dân cầm cự, sống qua mùa lũ. Thấu hiểu được nỗi khổ cực, thiếu thốn trăm bề của bà con vùng lũ, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách – Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, rất nhiều đoàn từ thiện đã đến trao quà hỗ trợ bà con như áo phao, gạo, nước, nhu yếu phẩm cần thiết,….. Những món quà tuy nhỏ nhưng thiết thực, phần nào đã động viên bà con trong mùa mưa lũ.

Minh Tâm 

Bài liên quan
  • Người dân vùng lũ cần làm gì phòng ngừa phát sinh dịch bệnh
    Moitruong.net.vn – Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Vì vậy người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh truyền nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình : Mưa lũ diễn biến phức tạp, gần 100.000 nhà dân ngập sâu