Quảng Bình: Thả thành công 2 cá thể chim Hồng Hoàng về môi trường tự nhiên

Minh Tâm|25/08/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 21/08/2023, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chủ trì phối hợp với Hạt kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và Tổ chức động vật Châu Á tổ chức tái thả thành công 2 cá thể chim Hồng Hoàng về môi trường tự nhiên.

Sau khi thực hiện thử nghiệm tái thả mềm 2 cá thể chim Hồng Hoàng tại khu vực lồng mới với kích thước dài 6m, rộng 4m và cao 3m nhằm theo dõi bảo vệ, giúp 2 cá thể thích nghi hơn với khí hậu.

hong-hoang.jpg
Chim Hồng Hoàng đang dần thích nghi với môi trường tự nhiên

10h30 sáng ngày 21/8/2023, sau khi gắn vòng nhận dạng vào chân để dễ dàng quan sát, 2 cá thể chim Hồng Hoàng đã được mở cửa lồng để tái thả về với môi trường tự nhiên.

Nhằm phục vụ công tác theo dõi, đánh giá quá trình sau tái thả, cá thể chim đực sau khi được gây mê khám sức khỏe sẽ được mặc áo chip định vị. Áo định vị này sẽ theo con chim suốt cuộc đời, để theo dõi hành trình, phân bố, khả năng bay và sinh tồn khi thả lại tự nhiên, áo chip không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của chim.

Trước đó, ngày 21/11/2022, 02 cá thể chim Hồng Hoàng (gồm 1 đực, 1 cái trưởng thành) được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng để tiếp tục cứu hộ, huấn luyện bay trước khi tái thả về môi trường tự nhiên.

BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức động vật Châu Á nghiên cứu, khảo sát và xây dựng chuồng tập bay lớn nhất Việt Nam cho 2 cá thể với kích thước dài 50m, rộng 5m, cao 6m. Chuồng sẽ giúp chim vận động, bay quãng xa để phát triển phần cơ bị yếu sau thời gian dài nuôi nhốt, góp phần tạo các điều kiện tốt nhất để chim Hồng hoàng có thể thích nghi với cuộc sống sinh tồn ngoài tự nhiên.

Để đảm bảo 2 cá thể sinh tồn được trong môi trường tự nhiên, ngày 7/6/2023, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật đã phối hợp với các chuyên gia là bác sỹ thú y của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Việt) và Tổ chức Động vật Châu Á tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện (gồm: chụp Xquang, lấy máu, mẫu phân, kiểm tra sinh hoá, lấy các mẫu test…). Kết quả 2 cá thể chim Hồng Hoàng có sức khỏe bình thường, đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thả về môi trường tự nhiên VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đây là sự kiện lần đầu tiên, Việt Nam tái thả thành công 2 cá thể chim Hồng Hoàng về môi trường tự nhiên. Một số nước ghi đã ghi nhận việc tái thả chim Hồng Hoàng về tự nhiên như Thái Lan (4 con), Campuchia (3 con cái). Qua đây, khẳng định vị thế trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng và của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn tại Việt Nam và trên thế giới nói chung.

Chim Hồng Hoàng tên khoa học là Buceros bicornis, thuộc họ hồng hoàng, bộ sả, lớp chim. Hồng Hoàng sinh sống ở các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc, thuộc nhóm IB theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ: sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, là nơi được đánh giá có sinh cảnh sống phù hợp, lý tưởng và đặc biệt những năm qua đã ghi nhận sự hiện diện của loài chim Hồng Hoàng nơi đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có số liệu chính xác về số lượng và khu phân bố của loài này tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Thả thành công 2 cá thể chim Hồng Hoàng về môi trường tự nhiên