–
Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, hiện tại, tỉnh có 46 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.726 MW. Trong đó, có 20 dự án đã đưa vào vận hành, tổng công suất hơn 1.110 MW. Trong số các nhà máy đi vào hoạt động, có tám nhà máy lớn nằm trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn. Từ khi các nhà máy này vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (Quyết định số 1537/QĐ-TTg, ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ – gọi tắt là quy trình 1537), bước đầu đã khắc phục tình trạng xả lũ ào ạt, giảm bớt cảnh “lũ chồng lũ”. Tuy nhiên, do phần lớn hồ chứa nước của công trình thủy điện nằm ở thượng nguồn, mỗi khi đến mùa mưa, người dân không chỉ sợ lũ chồng lên lũ, gây thiệt hại cho vùng hạ du mà còn lo về nguy cơ vỡ đập thủy điện, hậu quả khó lường.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Quảng Thử cho biết, theo quy định, chủ hồ đập phải có trách nhiệm thực hiện lắp đặt hệ thống cảnh báo điều tiết lũ và phát điện phía hạ du trong quá trình vận hành, nhưng đến nay, chưa có quy định cụ thể về số lượng, phương thức, hình thức cảnh báo. Qua kiểm tra, phát hiện phần lớn chủ đập chỉ thuê đơn vị tư vấn lập lần đầu, còn các năm sau thì sử dụng lại hồ sơ cũ, cho nên phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du không đúng với thực tế. Thậm chí, có chủ đập không thuê tư vấn mà tự xây dựng phương án. Thời gian qua, một số chủ đập chưa phối hợp với địa phương trong việc xây dựng, cập nhật thông tin dẫn đến chất lượng phương án chưa bảo đảm an toàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Nam, đến nay, nhiều chủ đập thủy điện như: Sông Tranh 2, A Vương đã đầu tư, lắp thêm trạm đo mưa trên lưu vực. Các nhà máy thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Côn 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 đã phối hợp Ban Chỉ huy PCTT huyện Đại Lộc tổ chức tuyên truyền phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai năm 2018 cho tổ trưởng tổ đoàn kết ở 260 thôn và đại diện lãnh đạo 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các chủ đập thủy điện đã xây dựng 27 trạm loa thông tin, cảnh báo công tác vận hành, điều tiết hồ cho nhân dân vùng hạ du biết, chủ động ứng phó.
Để bảo đảm an toàn các công trình thủy điện trước mùa mưa lũ năm nay, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương phối hợp các sở, ngành liên quan, kiểm tra toàn bộ các công trình thủy điện và yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch PCTT. Đối với các hồ chứa thủy điện, cần hoàn thiện phương án bảo vệ an toàn đập, phương án điều tiết cắt lũ trong mùa mưa đối với hạ du; đồng thời cần rà soát, duy tu, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo lũ, nghiên cứu tích hợp việc cảnh báo lũ khi thủy điện xả lũ và lũ tự nhiên lên hệ thống loa để thuận tiện cho người dân vùng hạ du ứng phó mưa, lũ. UBND tỉnh yêu cầu các chủ đập thủy điện phải xây dựng kịch bản tình huống vỡ đập để có phương án ứng phó kịp thời.
Trước hết, tỉnh yêu cầu các chủ hồ đập phải thuê đơn vị tư vấn đánh giá lưu vực, lắp đặt các trạm quan trắc thủy văn để cung cấp thông tin chính xác lưu lượng nước của hồ chứa, dự báo được đỉnh lũ, từ đó có quy trình vận hành hợp lý, khoa học nhằm bảo đảm hiệu quả phát điện, an toàn công trình và không gây thiệt hại cho vùng hạ du.
Minh An (T/h)