Ngày 1/7, Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh: Quảng Nam xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước trong thời điểm vừa chia tách và là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ nên khó khăn chồng khó khăn. Với truyền thống cách mạng “trung dũng, kiên cường”, ý chí quyết tâm, chung sức, đồng lòng, sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển (1997 - 2022), gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW; Quảng Nam đã từng bước liên kết, hợp tác phát triển kinh tế- xã hội với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên trong từng giai đoạn đổi mới và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (năm 2021), tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia thảo luận, đánh giá đúng thực chất những ưu điểm, kinh nghiệm hay, cách làm tốt; nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức để tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong định hướng phát triển toàn diện tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Trung ương các giải pháp chiến lược để phát triển vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ nhanh, bền vững.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận 25-KL/TW của Bộ Chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn duy trì ở mức khá. Mặc dù năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, song mức tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2020 vẫn đạt trên 10%/năm vẫn đạt trên mức tăng trưởng GDP bình quân cả nước.
Quy mô nền kinh tế của tỉnh ngày càng mở rộng, GRDP (theo giá hiện hành) năm 2021 đạt 103 nghìn tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm 2004. Quy mô GRDP bình quân cả giai đoạn 2004 - 2019 đạt 45,7 nghìn tỷ đồng/năm, giai đoạn 2004 - 2020 đạt gần 48,8 nghìn tỷ đồng. So với các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ về quy mô GRDP cho cả hai giai đoạn 2004 - 2019 và 2004 - 2020, Quảng Nam đều đứng vị thứ 5/14 tỉnh, thành phố. Riêng quy mô GRDP năm 2021, Quảng Nam đứng thứ 02 (sau Đà Nẵng) so với 05 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xếp vị thứ 4/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp vị thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; là 1 trong 18 tỉnh, thành có số thu ngân sách điều tiết về ngân sách Trung ương.
Về tình hình hợp tác, liên kết phát triển vùng, thực hiện chủ trương liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam cũng đã chủ động trong liên kết xúc tiến, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại; liên kết phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; văn hóa - xã hội…
Tại Hội nghị, đại diện một số sở, ngành của Quảng Nam, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đã tham luận, trao đổi, đề cập tới nhiều nội dung quan trọng, cụ thể về: Quy hoạch phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Nam; phát triển hệ thống giao thông; giải pháp phát triển du lịch; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chính sách cho vùng miền núi; cơ chế đặc thù cho tỉnh có nhiều huyện miền núi khó khăn...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được của Quảng Nam. Theo đồng chí, trong gần 20 năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các Kế hoạch, Chương trình, Đề án và đã hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, Quảng Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng còn chậm. Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của sản phẩm. GRDP bình quân đầu người còn thấp so với cả nước. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, thiếu nguyên liệu sản xuất tại chỗ.
Môi trường đầu tư chậm cải thiện; cải cách hành chính chưa đồng bộ; phối hợp của các ngành và địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư thiếu chặt chẽ. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vốn đầu tư chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, chưa gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, còn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, giao thông và hạ tầng đô thị. Huy động vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương tức đối tác công tư và hình thức PPP còn nhiều bất cập, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
Quy hoạch, khai thác và sử dụng chưa hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản vẫn còn xảy ra; ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp, làng nghề, một số khu dân cư, lưu vực sông vẫn còn xảy ra. Nhận thức về hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa cao.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; sự chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao...
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, những hạn chế kể trên có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là nhận thức về tiềm năng, lợi thế và vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chính sách khai thông các nguồn lực chưa được ban hành kịp thời, chưa mang tính đột phá, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Quảng Nam vẫn chưa phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, nhất là tiềm năng, lợi thế về tài nguyên biển, đảo; tài nguyên văn hoá, con người…
Đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ: Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 81-KH/BKTTW, ngày 16/5/2022 phục vụ việc tổng kết; trong đó Hội nghị tổng kết và Báo cáo tổng kết của địa phương là một trong những cơ sở quan trọng nhất để Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Phát huy hơn nữa tiềm năng để phát triển Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, mạnh về kinh tế biển. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm, kinh tế biển là trụ đỡ…
Phát triển bền vững các tiểu vùng; đẩy mạnh phát triển đô thị, hình thành một mạng lưới đô thị có tầng bậc, liên kết và hỗ trợ phát triển lẫn nhau… Khắc phục các hạn chế, yếu kém và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, coi đây như những “dư địa” cần được khai thác để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia và là công cụ quản lý, hỗ trợ thu hút đầu tư và quản lý phát triển.
Địa phương hợp hoàn thiện thể chế và cơ chế để tăng cường liên kết vùng, nhất là với các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế, nhất là các tỉnh Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường xây dựng chỉnh đón Đảng vững mạnh toàn diện; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Tăng cường thực hiện nhiệm vụ kết hợp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Đối với một số kiến nghị của tỉnh, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Ngoài những vấn đề đã được lãnh đạo các bộ, ngành trả lời, trao đổi tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập Đề án tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để lựa chọn đưa vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW hoặc chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đề nghị của tỉnh.