Quảng Nam chung tay hành động vì môi trường sạch hơn

Gia Hân|04/10/2022 15:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được Bộ Tài nguyên và môi trường phát động, các địa phương của tỉnh Quảng Nam đều cùng nhau lan tỏa những hành động bảo vệ môi trường thông qua việc dọn vệ sinh môi trường; sản xuất sạch hơn...

Bão Noru đi qua là lúc các đoàn viên thanh niên, các tầng lớp nhân dân khắp nơi trong tỉnh Quảng Nam chung sức dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ở các bãi biển An Bàng, Cửa Đại (Hội An), hàng trăm học sinh các cấp tham gia quét dọn, đẩy xe, tập kết rác... Cảnh quan xanh, sạch, đẹp vốn có đã nhanh chóng được trả lại sau đêm bão gió hoành hành.

Em Phạm Thanh Quốc - học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Hội An) nói: “Làm sạch cho môi trường là bảo vệ cuộc sống chung của chúng ta. Hội An là điểm đến của bao khách tham quan trong và ngoài nước thì cần chung sức bảo vệ môi trường để lưu lại những ấn tượng đẹp về mỹ quan thành phố”.

moi-truong-sach-hon.jpg
Người dân tham gia dọn rác thải ở bãi biển

Ở bãi biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), mô hình “Ngôi nhà xanh - bảo vệ môi trường” được Hội LHPN TP.Tam Kỳ phối hợp với UBND xã Tam Thanh, các tổ chức chính trị - xã hội phát động từ đầu tháng 6 vẫn duy trì đến nay. Người dân, du khách khi đến đây đều ý thức bỏ rác vào các thùng được bố trí khắp bãi biển.

Bà Nguyễn Thị Nhật Vy - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường TP.Tam Kỳ cho biết, phong trào bảo vệ môi trường được phát động, hành động sâu rộng trong nhân dân đã giúp địa phương ngày càng khẳng định nếp sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu vì sinh thái xanh hơn, sạch hơn.

Ở hầu khắp cánh đồng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều bố trí các thùng rác lớn để người nông dân thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường.

Canh tác lúa, rau quả bằng phương thức VietGAP, hữu cơ ngày càng lan tỏa. Ở các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, người dân “nói không” với hóa chất, sử dụng kháng sinh đúng liều lượng khi cần, nhất là ưu tiên sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học để hạn chế tác động đến môi trường.

Chủ đề của chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 là “Cùng hành động để thay đổi thế giới”. Quảng Nam triển khai chiến dịch này trong những ngày 20 - 30.9. Các sở, ngành, địa phương, hội, đoàn thể đã tập trung triển khai các hoạt động trồng cây xanh; cải thiện, phục hồi môi trường tại đô thị, khu dân cư, vùng nông thôn; giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải ở khu, cụm công nghiệp…

Cùng với tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Quảng Nam chú trọng phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình, mô hình, sáng kiến, các làm hay về bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Hoàng Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường) cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, thúc đẩy triển khai các giải pháp triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái.

Tác động trong thực tiễn là cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, hướng tới tiêu dùng bền vững.

Theo bà Yến, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải phân thành 3 loại (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được dựa trên khối lượng chất thải được phân loại.

Do đó, càng xả nhiều rác, người dân càng phải đóng nhiều tiền hơn. “Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả xử lý rác thải sinh hoạt cũng như tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải” - bà Yến nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam chung tay hành động vì môi trường sạch hơn