(Moitruong.net.vn) – UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương di dời Nhà máy thép Việt Pháp khỏi Cụm công nghiệp Thương Tín 1. Tuy nhiên, việc này phải có thời gian, lộ trình và cho phép nhà máy hoạt động đến trước ngày 31/12/2019.
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép Việt Pháp để bày tỏ sự phản đối
Chiều 25/7, chính quyền thị xã Điện Bàn đã tổ chức họp dân để thông báo kết luận của UBND tỉnh Quảng Nam (kết luận do ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ký ngày 25/7) về việc di dời nhà máy thép Việt Pháp.
Tại buổi họp, ông Trần Úc (chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn) gửi đến toàn thể người dân đến tham dự nguyên văn thông báo của phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn. Trong thông báo nêu rõ UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương di dời Nhà máy thép Việt Pháp khỏi Cụm công nghiệp Thương Tín 1. Tuy nhiên, việc này phải có thời gian, lộ trình và cho phép nhà máy hoạt động đến trước ngày 31/12/2019.
Sau khi tiếp nhận thông tin trên, rất đông người dân đã bày tỏ sự phản đối, nhất là những người dân phải hứng chịu bầu không khí ô nhiễm trầm trọng do Công ty TNHH thép Việt Pháp gây ra.
Theo phản ánh của người dân, thời gian nhà máy hoạt động từ khoảng 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm khói và ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. “Nhà máy hoạt động cả đêm, chúng tôi bị tra tấn bởi tiếng ồn, không khí ô nhiễm, không sao ngủ được, chúng tôi không chịu nổi nữa rồi…”, một người dân cho biết.
Đồng quan điểm đó, ông Lê Tự Hát (trú thôn 7A, gần nhà máy thép Việt Pháp) cho biết: “Bắt đầu năm 2009, đơn vị này đến địa phương xây dựng cơ sở tinh luyện thép. Từ đó, xe vận chuyển phế liệu liên tục ra vào nhà máy phục vụ cho việc đun nấu thép. Khói đen, mùi hôi thối bốc lên từ lò luyện thép lan tỏa đến khu dân cư khiến người dân chịu trời không thấu. Không ít lần, chúng tôi dựng lều túc trực trước cổng nhà máy để bày tỏ sự phản đối quyết liệt nhưng nhà nhà máy vẫn phớt lờ”.
Bên cạnh đó, rất nhiều người dân có mặt tại cuộc họp không đồng tình với hướng giải quyết cho phép nhà máy hoạt động đến trước ngày 31/12/2019. Nhiều người dân phản đối và cho rằng thời gian cuối năm 2019 để di dời nhà máy thép gây ô nhiễm này là quá lâu, sức chịu đựng của dân đã không chịu nổi.
“Hồi trước, lãnh đạo tỉnh cam kết di dời nhà máy trong năm 2017, nhưng đến nay, nhà máy thép này vẫn hoạt động bình thường. Nay lại gia hạn thời gian đến năm 2019 thì dân chúng tôi chịu sao nổi”, ông Lê Tự Hát (trú thôn 7A) cho biết.
Kết luận buổi họp, chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn ghi nhận phát biểu của người dân và phía doanh nghiệp, đồng thời thị xã sẽ báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện. Ngoài ra, lãnh đạo thị xã Điện Bàn cũng công khai số điện thoại di động để người dân khi phát hiện nhà máy gây ô nhiễm thì phản ánh (kể cả đêm khuya) để có biện pháp xử lý.
An An (TH)