Chương trình dọn vệ sinh đáy biển do Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) phát động thực hiện. Vừa phát động, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng trên đảo, doanh nghiệp hoạt động du lịch tại địa phương đồng hành với lực lượng bảo tồn biển… cùng tham gia dọn vệ sinh dưới đáy biển nhằm bảo vệ các loài san hô.
Tình nguyện viên lặn vớt rác dưới đáy biển
Trong hơn 5 ngày, các tình nguyện viên, lực lượng bảo tồn biển đã thực hiện dọn vệ sinh đáy biển, lặn tìm bắt sao biển gai – một loài sinh vật nguy hại, tàn phá san hô rất nhanh; tiến hành vệ sinh rạn san hô tại khu vực khoanh nuôi, bảo tồn san hô, khu vực tại Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Xếp và Bãi Bắc (Cù Lao Chàm) an toàn và hiệu quả. Đồng thời, lưới bị hỏng, dây cước, bao tải, chất thải chìm dưới đáy biển nơi các loài san hô sinh sống cũng đã được thu gom.
Bên cạnh đó, BQL Khu bảo tồn biển đã đo đạc hệ sinh thái biển, đánh giá thảm thực vật, dọn rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy tại các rạn san hô, thảm thực vật…nhằm tìm được giải pháp cụ thể bảo vệ sự phát triển tốt cho hệ sinh thái biển, các rạn san hô, các loại tôm cá.
Rác thải dưới đáy biển được thu gom và mang vào đất liền xử lý
Ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: Bảo vệ môi trường biển tại Cù Lao Chàm là hoạt động dành nhiều sự quan tâm của Ban Quản lý, trong đó đặc biệt là giám sát rác thải bãi biển và dọn vệ sinh đáy biển. Đơn vị đang triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải tự nhiên và đại dương.
“Hai năm qua, chúng tôi đã phối hợp tổ chức thu gom rác thải, giám sát vùng biểntheo bộ công cụ hướng dẫn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện tổng thể việc đo đạc hệ sinh thái và thu gom rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy như dây cước, lưới xốp… Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện hằng năm nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương góp phần bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học.” – ông Vũ cho hay.
Công tác đo đạc hệ sinh thái biển, đánh giá thảm thực vật là việc làm quan trọng nhằm đưa ra giải pháp cụ thể để bảo vệ hệ sinh thái biển.
Được biết, giữa năm 2019, tại Cù Lao Chàm, 2 khu vực có san hô cứng mọc, hồi sinh và phát triển tương đối tốt tại nền các bờ kè bê tông tại Cù Lao Chàm được phát hiện. San hô đang tái sinh khá tốt tại các khu vực chịu nhiều tác động các từ các công trình xây dựng trên đảo. Điều này chứng tỏ rằng, môi trường và chất lượng nước biển ở Cù Lao Chàm đang từng bước được cải thiện. Như vậy, công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên biển tại Cù Lao Chàm của cộng đồng và các bên liên quan đang có những tín hiệu tích cực.
Nhằm giữ gìn và bảo vệ thành quả trên, BQL Cù Lao Chàm khuyến cáo mỗi người dân, du khách và doanh nghiệp không xả chất thải xuống biển, đặc biệt nơi có rạn san hô; không vứt rác xuống biển, phải bỏ rác đúng nơi quy định; không bẻ gãy, giẫm đạp lên rạn san hô; không thu thập các mẫu san hô, kể cả san hô chết; tập kết thúng chai, lưới đánh cá xa khu vực có các rạn san hô.
Nhật Hiên