Theo nhận định của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam, năm 2023, hiện tượng ENSO được dự báo ở trạng thái El Nino với xác suất 80 - 95%.
Qua dự báo ENSO trên so với dữ liệu trước đây thì khả năng các tháng cuối năm 2023 tương tự năm 1991, 1997, 2002, 2009. Xoáy thuận nhiệt đới có diễn biến phức tạp về đường đi, cường độ, cũng như phạm vi ảnh hưởng.
Từ tháng 9 - 12/2023, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông dự báo ở mức xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 9 đến cuối năm, phải đề phòng xoáy thuận nhiệt đới có diễn biến phức tạp về đường đi, cường độ, cũng như phạm vi ảnh hưởng.
Số lượng đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Quảng Nam từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023 khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. không khí lạnh ảnh hưởng yếu tới các địa phương Quảng Nam vào thời kỳ đầu tháng 10, sau đó tăng dần về số đợt và cường độ trong tháng 11 và tháng 12.
Ngoài ra, dông xuất hiện nhiều ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các địa phương vùng núi và trung du. Trong cơn dông cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam khuyến nghị, từ tháng 9 - 12/2023, dự báo dòng chảy các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện 2 - 4 đợt lũ.
Đỉnh lũ lớn nhất năm có khả năng ở mức xấp xỉ năm 2022. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức xấp xỉ báo động 3 đến trên báo động 3; trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu ở mức báo động 2 đến báo động 3; trên sông Tam Kỳ ở mức xấp xỉ báo động 2 đến trên báo động 2. Thời gian xuất hiện lũ lớn nhất từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11 năm 2023.
“Để chủ động đối phó với thiên tai do mưa to, gió mạnh, lũ lớn gây ra, các cấp, ngành cần cập nhật thông tin thời tiết thủy văn nguy hiểm hạn dài, hạn vừa và hạn ngắn để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả” - ông Tuyến nói.
Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Nam cho hay, căn cứ đánh giá mức độ rủi ro các loại hình thiên tai như áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, sét, mưa đá, hạn hán, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, động đất, sóng thần..., Quảng Nam đã xây dựng kịch bản ứng phó theo từng mức độ rủi ro.
Trong phương án ứng phó, các cấp, ngành được lưu ý thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Đồng thời, hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp...
Công tác tuyên truyền được tăng cường, tập trung hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, huy động tri thức, thông tin từ người dân để phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Tại khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó, có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời.
Theo ông Trương Xuân Tý, để chủ động trong mọi tình huống, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn cảnh báo của chính quyền và cơ quan chức năng; đồng thời nâng cao ý thức chủ động, tự giác tham gia cùng chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhấn mạnh những yếu tố phức tạp, khó lường của tình hình thiên tai và thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra qua nhiều năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp phải chủ động công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, công tác phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
“Cả hệ thống chính trị vào cuộc để chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống, đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương, đơn vị phụ trách, không để bị động, bất ngờ.
Lãnh đạo các địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và pháp luật nếu để xảy ra thiệt hại lớn do thiếu trách nhiệm, chậm trễ, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó với thiên tai” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.